[2023 Có Gì Hot?] Đón Đầu Xu Thế Cùng Các Xu Hướng Digital Marketing Mới Nhất!

Một năm mới nữa lại đến, thế giới tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) càng trở nên nhộn nhịp và phát triển đa dạng hơn. Thuật ngữ 4.0 chỉ sự thời thượng mới hôm qua tưởng như vẫn là một khái niệm mới mẻ nhưng 5.0 xuất hiện đã làm cho 4.0 trở nên “bình thường” và đường đua ngày càng được nối dài hơn, đòi hỏi những người chơi phải có chiến thuật và “dai sức”. Bên cạnh những khái niệm cốt lõi như SEO, PPC, Branding hay UI/UX, các marketer hiện nay phải không ngừng khám phá và kết hợp các kênh mạng xã hội mới nổi cùng với những quy định không ngừng được thay đổi mỗi ngày, với hệ sinh thái content đa dạng – độc đáo, với các công nghệ tự động hóa và cá nhân hóa người dùng…

Hãy cùng Digital Marketing Á Âu điểm qua những xu hướng digital marketing 2023 được nhiều chuyên gia thảo luận và dự đoán sẽ trở nên bùng nổ trong thời gian sắp tới nhé!

xu hướng digital marketing 2022

Các xu hướng đầu tiên này thường xuyên được nhắc đến trong thời gian vừa qua. Chúng có thể chưa khả thi đối với doanh nghiệp của bạn, nhưng đây chính là tương lai tiếp theo mà chúng ta đang hướng tới. Vì vậy, mặc dù báo đài hay các phương tiện có “ra rả” về các sản phẩm NFT bán được với giá hàng triệu đô-la và bạn biết là mình còn chưa tạo ra được một “sản phẩm có giá trị ảo” nào, thì bạn vẫn nên để mắt theo dõi đến những lĩnh vực này.

Ngoài ra, sự ra đời của bất kỳ sản phẩm nào cũng có lý do. Dành thời gian tìm hiểu thêm về những xu hướng như vậy có thể mang đến cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích, giúp gợi ý cách tiếp cận người dùng bằng nhiều chiến lược mới mẻ hơn.

Thế giới ảo “Metaverse”

Dù cho Facebook có “đình đám” với phi vụ “thay danh đổi phận” thành Meta để hướng tới việc xây dựng vũ trụ thế giới ảo cùng nhiều tham vọng, thì “Metaverse” cũng không phải là định nghĩa riêng để chỉ nền tảng mà Facebook đang phát triển.

Khái niệm “Metaverse” đề cập đến thế giới ảo được tích hợp các công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality), thực tế ảo (virtual reality), các nhân dạng ba chiều 3D (3D holographic avatar) và video — và không chỉ là những trải nghiệm nhất thời như chơi game mà còn là một môi trường bền vững nơi mọi người sẽ làm việc, giải trí và giao lưu với nhau trong tương lai.

thế giới ảo metaverse chứa đựng nhiều tiềm năng mới

Dù vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng thế giới metaverse đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn (Nguồn: Internet)

Ngoài những khả năng giả lập cùng nhiều khả năng tương tác thú vị như đã biết, còn có lý do chính đáng để metaverse đang tạo ra nhiều sự bàn tán và chú ý gần đây – và lời khuyên của nhiều chuyên gia là các thương hiệu nên bắt đầu suy nghĩ về không gian ảo này như là một phần của chiến lược marketing trong những năm tới.

Lý do chủ yếu là vì metaverse có tiềm năng mang đến các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoàn toàn mới, khác biệt so với những nền tảng chúng ta đã biết.

Một đại diện từ Felix Health phát biểu: “Các nhà tiếp thị sẽ có khả năng thử nghiệm xem các vật thể – đối tượng ảo xuất hiện được trong bao lâu, chiếm dụng bao nhiêu không gian trong tầm nhìn của người dùng, và thậm chí là người dùng đang nhìn vào đâu khi trải nghiệm một mẩu quảng cáo… Những insight như thế này có thể sẽ hoàn toàn tái cấu trúc lại những gì bạn biết về đối tượng của mình, mang đến hướng tiếp cận vô cùng giá trị cho tương lai.”

Kent Lewis – Giám đốc của Digital Marketing Agency Anvil Media, cũng đồng tình rằng nhiều thương hiệu sẽ tham gia vào thế giới ảo trong năm 2022 và mặc cho các khách hàng có thể sẽ mất vài năm để bắt đầu quan tâm đến metaverse, thì các thương hiệu vẫn sở hữu được lợi thế của người tiên phong.

nền tảng horizon worlds của meta

Meta đang đầu tư nghiên cứu và phát triển nền tảng Metaverse mang tên “Horizon Worlds” (Nguồn: Internet)

vũ trụ metaverse của disney

Metaverse không phải là “độc quyền” của riêng Meta, nhiều “ông lớn” khác – trong đó có Disney đã chính thức đặt chân vào vũ trụ thế giới ảo đầy tiềm năng này (Nguồn: Internet)

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và ứng dụng phi tập trung (DApp)

Chắc hẳn bạn đã nghe qua nhiều về từ khóa “blockchain” trong những năm trở lại đây.

Blockchain là công nghệ mã hóa dữ liệu thành các khối (block) và kết nối chúng lại với nhau để thành một chuỗi (chain) để truyền tải dữ liệu một cách bảo mật và an toàn nhờ vào hệ thống mã hóa phức tạp. Khi một thông tin hay dữ liệu mới xuất hiện, nó sẽ không “ghi đè” lên dữ liệu cũ mà được đưa vào một khối mới để nối vào chuỗi hiện có.

Chuỗi này đóng vai trò như một “sổ cái” (ledger) điện tử, ghi nhận lại tất cả dữ liệu và giao dịch phát sinh, và được phân phối phân tán trong một mạng máy tính.

infographic về khái niệm blockchain

Infographic Tổng quan về công nghệ Blockchain (Nguồn: Việt hóa bởi tác giả Bùi Lê Duy)

Trong tương lai, ứng dụng của blockchain trong marketing sẽ rất đa dạng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giao thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bầu cử, dịch vụ thương mại – mua sắm…, blockchain cũng có thể được ứng dụng để tạo ra các loại tài sản mã hóa (token) cho các khách hàng VIP, khách hàng thân thiết để mua sắm, giảm giá…

Token này còn mở ra nhiều hình thức đầu tư khác thông qua các hoạt động thể thao, giải trí… chẳng hạn như trường hợp của Messi khi gia nhập đội bóng PSG đã làm cho giá trị tiền ảo của PSG gia tăng lập tức. Nếu một đơn vị phát hành ra một số lượng token cho người dùng thu mua, và có các hoạt động làm nâng cao giá trị thương hiệu, tạo ra ảnh hưởng, hay có tác phẩm đột phá… thì token người dùng sở hữu cũng sẽ được “nâng giá” cao hơn.

đầu tư bằng token đấu giá NFT

“Token”, cùng với “NFT” cũng được sử dụng như là một hình thức đầu tư mới (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, với tính phân tán dữ liệu ra nhiều nơi cùng với khả năng xử lý tự động, Blockchain có tính bảo mật cao giúp ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu trái phép, hạn chế được tình trạng gian lận – thiếu minh bạch trong nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, cũng như cung cấp một “ngôn ngữ” mới để truyền tải các thông điệp tiếp thị…

Còn DApp (Decentralized Application) là ứng dụng phi tập trung, chỉ các ứng dụng không thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát bởi một đơn vị có thẩm quyền nào đó. Các DApp về tính năng có thể không khác biệt gì nhiều so với các ứng dụng hiện tại, nhưng nó được quản lý phi tập trung, và có thể vận hành trên một mạng ngang hàng, chẳng hạn như Blockchain.

ứng dụng phi tập trung DApp

Các DApp vận hành trên một hệ thống phân tán, chia sẻ chung các dữ liệu thông qua nhiều nút mạng (node), gỡ đi vai trò kiểm soát và quyền lực vào một chủ thể tập trung (Nguồn: Blockchain Zoo)

Bitcoin là một trong những ứng dụng phi tập trung đầu tiên, cho phép bất kỳ ai trên thế giới đều có thể tải xuống các code với mã nguồn mở (open-source code) để tham gia vào một mạng lưới blockchain và xác thực các giao dịch thông qua việc sử dụng các thuật toán “đào coin”, từ đó họ sẽ nhận được các đồng tiền ảo (cryptocurrency) như là một phần thưởng.

Dù hiện tại các lĩnh vực này vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện, nhưng bạn có thể bắt đầu để mắt đến chúng và suy nghĩ xem nếu có một ngày thế giới bắt đầu vận hành theo xu hướng này, thì chúng ta có thể làm gì?

Các tài sản NFTs (Non-fungible tokens)

Ngoài việc tìm ra cách để các thương hiệu xuất hiện trong metaverse, một thách thức nữa dành cho chúng ta đó là phải thử nghiệm nhiều hơn với công nghệ blockchain để chuẩn bị cho Web 3.0 — sự phát triển tiếp theo của web – một nền tảng phi tập trung hơn. Sự chuẩn bị này sẽ trở thành ưu thế mạnh mẽ trong tương lai gần khi các trang web mà chúng ta nhìn thấy sẽ xuất hiện dưới dạng này nhiều hơn kể từ năm 2023 trở đi.

Một lĩnh vực đang “rất nổi” của blockchain chính là NFT. NFT là từ viết tắt của Non-Fungible Token – chỉ một loại mã được mã hóa đặc biệt (trên blockchain) không thể thay thế để đại diện cho một loại tài sản nào đó. “Không thể thay thế” ở đây nghĩa là nó không thể trao đổi được để đổi lấy một thứ gì đó có giá trị tương đương, bởi vì nó không có bất cứ thứ gì tương đương với nó.  

NFT là gì ứng dụng ra sao

NFT có thể được xem như là một loại tài sản kỹ thuật số được tạo nên nhờ công nghệ chuỗi khối và không thể sao chép (Nguồn: Internet)

Để dễ hiểu hơn, bạn có thể lật ngược lại vấn đề. “Việt Nam Đồng” là một loại tài sản có thể thay thế. Bạn có thể đổi tờ 500.000 đồng thành 5 tờ 100.000 đồng. Nhưng đích xác thì, bạn sẽ không thể đổi lấy chiếc nhẫn cưới của bố mẹ – một vật thể “không thể thay thế” (non-fungible) – với một giá trị tương đương, bởi vì nó có yếu tố về tính xác thực (authenticity factor).

Tóm lại, các NFT là các phiên bản kỹ thuật số của những tài sản được sáng tạo nên với tính chất riêng biệt và “không thay thế được”, như là một hiệu ứng chuyển động, một thiết kế đồ họa, một hình ảnh động, một tập tin audio/video, hoặc các hình ảnh chế (meme) – tồn tại trên một blockchain.

nhiều tác phẩm NFT được giao dịch với giá rất cao

“Cơn sốt NFT” đang khiến cả thế giới phát cuồng với những tác phẩm có giá trị không tưởng (Nguồn: Internet)

Với việc các thương hiệu như Campbell’s, Charmin và Coca-Cola cho ra mắt bộ sưu tập NFT vào năm vừa qua, đây có lẽ thời điểm thích hợp để các thương hiệu khác tìm ra cách họ có thể khai thác các tài sản kỹ thuật số này để không bị bỏ lại phía sau.

bộ sưu tập NFT đầu tiên của Coca Cola

Coca Cola đã cho ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên lấy cảm hứng từ những vật phẩm gắn liền với sự phát triển của thương hiệu (Nguồn: Internet)

Bộ sưu tập này bao gồm NFT áo khoác bong bóng (dựa trên cảm hứng từ đồng phục giao hàng của Coca Cola ở thời kỳ đầu), máy bán hàng tự động kiểu cổ điển, thẻ mua hàng Coca Cola những năm 1940, tệp âm thanh chứa tiếng khui nắp chai Coca Cola và âm thanh rót nước ngọt trên đá…

Selman Careaga – chủ tịch của Coca Cola toàn cầu cho biết rằng: “Mỗi NFT được sáng tạo nên để tôn vinh những yếu tố cốt lõi làm nên tên tuổi thương hiệu, được tái hiện và làm mới trong thế giới ảo theo một cách thú vị và hợp thời hơn. Chúng tôi rất hào hứng khi bước chân vào lĩnh vực này và giới thiệu những NFT đầu tiên cho mọi người.”

NFT của thương hiệu Charmin

Thương hiệu sản xuất giấy vệ sinh Charmin cũng đã hội nhập vào thế giới của những NFT (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi các thương hiệu như Adidas bắt đầu hợp tác với các bộ sưu tập NFT như Bored Ape Yacht Club, Faizan Fahim… chúng ta có thể mong đợi nhiều quan hệ hợp tác hơn nữa trong tương lai — và thậm chí các thương hiệu có thể bắt đầu bán hoặc tổ chức “give away” các NFT như một cách để xây dựng cộng đồng giữa các khách hàng của mình.

adidas hợp tác cùng Gmoney, Punkscomic và BoredApeYatchClub

Adidas công bố thông tin hợp tác với nhà sáng tạo NFT để cho ra đời các bộ sưu tập chào sân “Metaverse” (Nguồn: Internet)

NFT số hiệu 8774 có tên Bored Ape Yatch Club

Adidas đã mua NFT “Bored Ape Yacht Club” và sẽ biến nó trở thành một nhân vật có tên “Indigo Herz” trong vũ trụ thế giới ảo (Nguồn: Internet)

adidas into the metaverse site

Bạn có thể xem thêm chi tiết tại địa chỉ: adidas.com/into-the-metaverse

Tiền ảo (Cryptocurrency)

Tiền ảo xuất hiện chưa lâu nhưng cũng đã tạo nên nhiều trào lưu xuất hiện trên nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều người theo đuổi lĩnh vực này, dù chưa nắm bắt cặn kẽ về bản chất và cơ chế hoạt động của tiền ảo, nên dễ bị vướng vào các phi vụ chiếm đoạt, lừa đảo. Đồng thời vì quá mới nên chúng ta cũng chưa có những nền tảng đủ mạnh, với những cơ sở luật pháp đủ vững chắc để tạo nên một môi trường tài chính lành mạnh với loại tiền tệ mới này.

Dù cho vẫn tồn tại nhiều tin tức và định kiến không tích cực về tiền ảo, thì theo guồng phát triển của các xu hướng ở trên, chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự gia tăng và xuất hiện của khái niệm tiền ảo vào năm 2022 và các nhà tiếp thị “sành sỏi” sẽ ngày càng để mắt đến xu hướng tài chính phi tập trung này.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, dù chỉ đang được sử dụng bởi một nhóm đối tượng nhỏ nhưng nghiên cứu về khả năng chấp nhận tiền ảo có thể giúp thương hiệu mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút khách hàng – trong điều kiện tập đối tượng có đặc điểm nhân khẩu học phù hợp.

Ví dụ, liên quan đến hoạt động thanh toán, tiền ảo đang tạo ra những thay đổi đáng kể cho các phương thức thanh toán phổ biến nhất như Visa, PayPal và MasterCard. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc thay đổi cách các sản phẩm và dịch vụ của họ tương tác với khách hàng và các nhà tiếp thị sẽ mong muốn khai thác hiệu quả tiềm năng đến từ phạm vi tiếp cận nhân khẩu học tăng lên này.

timeline dự đoán về sự phát triển của blockchain

Blockchain được dự doán sẽ được ứng dụng rộng rãi vào năm 2025 trở đi, là nền tảng để cho tiền ảo có hạ tầng phát triển mạnh mẽ (Nguồn: Accenture)

Web 3.0

Internet đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển đột phá, từ Web 1.0 với cuộc cách mạng về thông tin (Web of documents), cho đến thời đại Web 2.0 với tính mở và tương tác cao thúc đẩy hoạt động của người dùng (Web of people), vậy hình thái tiếp theo – Web 3.0 nào sẽ là tương lai tiếp theo của Internet?

Nhiều người cho rằng đó chính là Web of data – tập trung vào cách lưu trữ và phân phối dữ liệu đến người dùng. CEO của Meta – Mark Zuckerberg cũng phát biểu rằng: “Cũng giống như NFT và Metaverse, nền tảng Web 3.0 là bước phát triển tự nhiên trong cách thức con người tương tác và giao tiếp thông tin với nhau.”

Ban đầu Web 3.0 được xây dựng với mục tiêu trở thành Semantic Web – nơi mà máy móc và công nghệ có thể xử lý và tiếp nhận thông tin như con người. Nhưng dù với những tiến bộ bậc nhất hiện nay thì điều này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án tiếp tục được nghiên cứu và với sự phát triển của công nghệ blockchain giúp mang lại một không gian minh bạch và bảo mật hơn, Web 3.0 được định nghĩa như là một hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu phi tập trung (kết hợp cùng với những công nghệ mới nhất như IoT, AI…) để khắc phục những hạn chế của thế hệ web trước đó, mở ra khả năng kết nối và tương tác vượt trội. Người dùng có toàn quyền kiểm soát với dữ liệu của mình mà không lo bị xâm hại trái phép do các cơ sở hạ tầng trên môi trường Web 3.0 này sẽ không còn phụ thuộc vào các công ty chủ quản.

sơ đồ về các thế hệ Web

Web 3.0 được dự đoán là bước phát triển tiếp theo với các công nghệ AI, kiến trúc dữ liệu phi tập trung cùng hệ thống hạ tầng điện toán đám mây tân tiến (Nguồn: Fabric Ventures)

Nhiều dự đoán cho rằng “hậu bối” Web 3.0 này tất nhiên sẽ lại là một cuộc cách mạng so với 2 phiên bản tiền nhiệm, và tạo ra một thế giới với nhiều giá trị hơn – khi các dữ liệu, nội dung, hay chất xám của người dùng được sở hữu và kiểm soát bởi chính họ, không còn phải phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp dịch vụ như Facebook, Google, Tiktok…

web 3.0 vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều

Dù vậy, tương lai của Web 3.0 vẫn chưa thực sự rõ ràng, liệu đây có phải là tương lai của Internet hay chỉ là những “ước mơ viển vông”? (Nguồn: Coin Telegraph)

Các xu hướng tiếp theo cũng không gây quá nhiều bất ngờ vì thật ra nó đã và đang được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp, trong những năm sắp tới những xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Dữ liệu được chủ động cung cấp và dữ liệu bên thứ nhất (Zero & first-party data)

Các nhà tiếp thị vẫn còn một năm nữa cho đến khi Google loại bỏ cookie của bên thứ ba (theo kế hoạch là vậy), có nghĩa là năm 2023 sẽ là năm quan trọng nhất cho những bước thay đổi về “cuộc chơi” dữ liệu và quyền riêng tư.

Nhiều người làm marketer vẫn chưa nhận ra rằng trên thực tế, các đối tượng mà mình đã tiếp cận, đang nuôi dưỡng và không ngừng mở rộng… lại đang “nằm trong tay” của Facebook, của Instagram, của Tiktok hoặc bất kỳ một mạng xã hội nào khác mà thương hiệu của bạn xuất hiện trên đó. Chúng ta không có nhiều quyền kiểm soát (nếu không muốn nói là không có) với những đối tượng này. Đó là lý do tại sao các marketer nên bắt đầu suy nghĩ về việc xây dựng và sở hữu các đối tượng cho riêng mình trong năm 2023.

xu hướng bảo mật và quyền riêng tư được đề cao

“Bảo mật và quyền riêng tư” là xu thế tất yếu để tồn tại và phát triển trong những năm sắp tới (Nguồn: Internet)

Nghĩa là các thương hiệu phải tích hợp được các phương pháp thu thập dữ liệu ưu tiên tính bảo mật cho khách hàng của mình. Trong năm 2023, bạn nên bắt đầu xây dựng các chiến dịch nhằm hỗ trợ cho việc tạo lập dữ liệu bên thứ nhất (first-party data) để không phải phụ thuộc vào các bên khác. Các lựa chọn bạn có thể cân nhắc đến bao gồm những công cụ email, thư nội dung (newsletters), các công cụ social media hay hệ thống CRM.

Còn zero-party data, hay là các dữ liệu được cung cấp trực tiếp bởi khách hàng, có thể thông qua các tương tác trực tiếp như khảo sát chẳng hạn, cũng rất quan trọng. Dù có thể sẽ phải đầu tư và tốn công sức nhiều hơn trước nhưng các dữ liệu mà marketer có khả năng thu thập được trực tiếp từ khách hàng có thể đóng một vai trò to lớn trong việc sáng tạo nên các chiến dịch được cá nhân hóa và phù hợp hơn.

ứng dụng Yelp thu thập zero party data về dining habits

Ứng dụng Yelp hỏi ý khách hàng tình nguyện cung cấp các dữ liệu mà họ không thể mua hay thu thập được ở đâu khác, chẳng hạn như sở thích và thói quen dùng bữa (Nguồn: Wired)

Tide thu thập zero party data qua microexperiences của user trên website

Một số thương hiệu khác như Tide cũng cải thiện hoạt động trải nghiệm người dùng trên website để tập hợp các mẩu dữ liệu nhỏ làm zero-party data (Nguồn: Tide)

Bên cạnh đó, với sự biến mất dần của third-party cookie và quyền riêng tư không ngừng được tăng lên, thì các doanh nghiệp hoặc agency phải có một kế hoạch rõ ràng cho việc triển khai và đo lường quảng cáo trên các nền tảng hiện có để chuẩn bị cho sự thay đổi sắp sửa diễn ra.

Các marketer cũng có thể thử nghiệm với công cụ Privacy Sandbox của Google để tìm ra các cách thức mới nhằm tiếp cận với thông tin của khách hàng mà không gây hại đến quyền riêng tư của họ.

Video định dạng ngắn (short-form video)

Sự ra đời và bùng nổ của Tiktok, Instagram Reels hay Youtube Shorts trong thời gian qua đã góp phần làm cho xu hướng video định dạng màn hình dọc với thời lượng ngắn ngày càng nhân rộng và phát triển đa dạng.

so sánh giữa các short-form video platform

So sánh tổng quan về các nền tảng video short-form nổi bật hiện nay (Nguồn: Listenfirst)

Không phải tự nhiên mà màn hình dọc lại trở thành “trend” trong những năm gần đây. Với tính dễ tiếp cận, tiêu thụ nhanh chóng, dễ chia sẻ và hiển thị phù hợp trên nhiều thiết bị, có rất nhiều cơ hội tiềm năng cả về mặt marketing và kinh doanh mà chúng ta có thể nắm bắt và khai thác.

ứng dụng lasso của meta đang được phát triển

Meta cũng đã phát triển “Lasso” – một ứng dụng với các tính năng tương tự như Tiktok để cạnh tranh với “gã khổng lồ” đang thống trị cả thế giới này (Nguồn: Internet)

Với xu hướng này, các doanh nghiệp có thể bắt đầu xây dựng chiến lược nội dung đa dạng, sáng tạo trên mọi định dạng, tìm cách nâng cao độ nhận diện thương hiệu và quảng bá để nội dung được phân phối tốt hơn. Hoặc thậm chí là kết hợp cùng với các người ảnh hưởng (influencer), các KOL… để tăng cơ hội nội dung được viral và hưởng ứng rộng rãi.

Bán hàng qua mạng xã hội (Social Commerce)

social commerce là sự kết hợp của thương mại điện tử và mạng xã hội

Social Media + E-commerce = Social Commerce (Nguồn: Internet)

Trong 2021, các nhà bán lẻ và các đơn vị cung cấp sản phẩm – dịch vụ đã thử nghiệm hoạt động bán hàng qua trang mạng xã hội, thông qua các nền tảng đang bùng nổ mạnh mẽ như Tiktok và Instagram. Xu hướng này sẽ càng tiếp tục phát triển hơn nữa trong 2023 khi các thương hiệu tìm cách rút ngắn khoảng cách trên hành trình đi từ giai đoạn khám phá (discovery) cho đến chuyển đổi (conversion).

mua sắm qua social commerce đang là xu hướng hot

Social Commerce giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện và thú vị (Nguồn: Internet)

Social Commerce mang đến cho các marketer một cách thức hoàn toàn mới để đưa sản phẩm của họ tiếp cận trước mắt người tiêu dùng. Nhưng xu hướng marketing 2022 này không chỉ dành cho các thương hiệu lớn.

Thương hiệu mỹ phẩm skincare Plant Mother đã tăng trưởng doanh thu đến 100% và có lượt referral traffic đổ về gấp 12,8 lần sau khi mở “cửa hàng” trên Instagram vào tháng 11/2021. Là một thương hiệu mới không thể cạnh tranh với những “tên tuổi” lớn trong mảng làm đẹp với ngân sách quảng cáo “eo hẹp”, trong tình huống của nhiều thương hiệu, Instagram Shopping đã được chứng minh là một sự thay thế hiệu quả cho quảng cáo trả phí (paid ads).

instagram shopping của plant mother

Tận dụng tính năng Instagram Shopping, thương hiệu Plant Mother đã chứng kiến nhiều sự tăng trưởng bất ngờ (Nguồn: Internet)

Và thậm chí sắp tới có thể là Livestream Commerce!

Bán hàng qua livestream vốn đã là một hoạt động “hot” trong những năm trở lại đây. “Chốt đơn” là từ khóa mà chúng ta đều nghe được mỗi ngày. Nhưng hoạt động bán hàng qua livestream trước đây phần lớn được thực hiện theo cách thủ công nhiều hơn. Với sự xuất hiện của các công nghệ mới cùng nhiều phần mềm hỗ trợ cho việc livestream hiện nay, thì Livestream Commerce hoàn toàn có thể là bước phát triển nâng cấp hơn cho Social Commerce trong thời gian sắp tới.

Một số thống kê cho thấy các khách hàng dành thời gian xem các video được phát trực tiếp (live video) cao gấp 3 lần các nội dung được ghi hình sẵn (pre-recorded visual content), điều này cũng góp phần lý giải cuộc chạy đua trên nhiều nền tảng để phát triển các tính năng livestream – được dự đoán có tiềm năng lên đến 70 tỉ đô-la.

Các livestream cũng đã nhận được sự thúc đẩy tích cực từ đại dịch nhờ mang đến một giải pháp mua sắm thay thế cho việc đến trực tiếp tại cửa hàng.

livestream commerce đang bùng nổ tại Trung Quốc

Hình thức này thậm chí đang trên đà bùng nổ và tạo thành #trend mới tại Trung Quốc (Nguồn: Internet)

Thương hiệu kinh doanh đá quý Moriarty’s Gem Art cũng đã bắt đầu thực hiện các video phát trực tiếp cho người dùng mua sắm ngay tại video (shoppable live videos) thông qua Facebook và Youtube trong năm 2021, cho phép người xem có thể xem sản phẩm, đặt câu hỏi và tất nhiên, là mua hàng.

livestream bán hàng của Moriarty Gem Art

Nếu chưa có nền tảng hoặc sự hỗ trợ về công nghệ, bạn có thể tham khảo cách làm của Moriarty’s Gem Art (Nguồn: Internet)

Kết quả từ hoạt động này làm cho thương hiệu Moriarty’s Gem Art thu về 30,000 đô-la chỉ trong tháng 11/2021. Ngoài ra mỗi livestream show như vậy cũng thu hút được hàng ngàn người xem, không chỉ giúp kết nối với khách hàng thông qua các nền tảng sẵn có, mà còn tạo ra nguồn doanh thu hấp dẫn cho doanh nghiệp.

Virtual Shopping và AI Shopping

Một xu hướng nữa cũng giúp bổ trợ cho sự bùng nổ mạnh mẽ của Social Commerce chính là Virtual Shopping – nền tảng mua sắm ảo và AI Shopping – nền tảng mua sắm tích hợp trí thông minh nhân tạo.

Nền tảng mua sắm ảo thì trong thời gian đại dịch vừa qua chúng ta đã chứng kiến được sự chuyển đổi nhanh chóng và linh hoạt của nhiều doanh nghiệp để thích ứng kịp thời với sự “đóng băng” của hoạt động mua sắm offline. Bây giờ khi đã bước vào giai đoạn bình thường mới, nền tảng mua sắm ảo được dự đoán sẽ cùng tồn tại song hành với các kênh offline để mang đến trải nghiệm đa dạng và toàn diện cho khách hàng.

siêu thị ảo Vinmart 4.0

Siêu thị ảo Vinmart 4.0 là một trong những sản phẩm “mua sắm ảo” tiên phong và nổi bật tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Internet)

Các công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường (AR – Augmented Reality) cũng góp phần hoàn thiện và làm cho trải nghiệm mua sắm ảo của người dùng trở nên chân thực hơn.

Bên cạnh đó, AI Shopping cũng đang được tích cực thử nghiệm để sớm đưa vào hoạt động trong tương lai gần. Các ông lớn công nghệ không ngừng đầu tư phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo của riêng mình để tăng trải nghiệm và tạo ra thêm nhiều giá trị mới cho khách hàng, thông qua việc mang đến những giải pháp nhanh, chính xác và phù hợp nhất với họ.

Chẳng hạn với Meta (trước đây là Facebook), một số ứng dụng đang được thử nghiệm có thể kể đến như:

  • Ứng dụng quét các sản phẩm trên Marketplace
  • Tính năng gắn thẻ sản phẩm trên Facebook
  • Tính năng xử lý hình ảnh 2D thành 3D
  • Tính năng gợi ý dựa trên những sản phẩm đã sở hữu trước đó

tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào mua sắm

Các tính năng mua sắm đang được phát triển cùng với nhiều ứng dụng của AI nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm đột phá (Nguồn: Internet)

Kết hợp cùng với công nghệ máy học và trí thông minh nhân tạo đang phân tích lượng dữ liệu cực lớn mỗi ngày, và định hướng phát triển thế giới ảo Metaverse gần đây, các giải pháp mua sắm trên nền tảng kỹ thuật số chắc chắn sẽ còn mang lại nhiều bất ngờ và sự đột phá mới.

Đơn giản hóa nội dung

Tiếp thị nội dung hay Content Marketing từ lâu vốn là một trụ cột quan trọng trong thế giới Digital Marketing, 2022 sẽ là năm mà các marketer hướng đến việc xây dựng content với hai tiêu chí: đơn giản và rõ ràng.

simple content giúp khách hàng tiếp thu hiệu quả hơn

Thay vì làm khách hàng bối rối, sao không “gỡ rối” cho khách hàng? (Nguồn: Internet)

Rõ ràng chúng ta đều biết Internet ngày nay bị nhấn chìm trong “đại dương content”. Các khách hàng của bạn sẽ có một danh sách rất nhiều content để lựa chọn và content của bạn buộc phải nổi bật để được chú ý ngay lập tức.

Làm thế nào để các thương hiệu thực hiện được điều này? Gợi ý: Không cần thiết phải dùng đến nhiều lối viết văn chương hoa mỹ.

Content chất lượng không nhất thiết phải trở nên phức tạp. Bạn cần phải duy trì được sự rõ ràng trong nội dung mình muốn truyền tải. Nó cần phải dễ hiểu đối với công chúng. Nội dung càng rõ ràng thì bạn sẽ tiếp cận được hiệu quả hơn đến người đọc.

Chúng ta cần phải xác định lại xem mình content mình đang viết sẽ mang lại giá trị gì. Nhiều chuyên gia đều đồng ý rằng thương hiệu nên tập trung vào việc khám phá và mang đến những trải nghiệm ý nghĩa cho người dùng (meaningful experiences) – và cái người dùng muốn chính là nội dung dễ tiếp cận và dễ hiểu (tuy nhiên “đơn giản” không nhất thiết đồng nghĩa với “ngắn”).

công cụ AI Simplify My Sentence Tool

Thậm chí còn có cả những công cụ giúp đơn giản hóa câu từ một cách tự động như AI Simplify My Sentence Tool (Nguồn: Internet)

Trong 2023, mọi thứ vẫn sẽ chịu tác động của thuật toán và các thương hiệu nên tạo ra một trải nghiệm người dùng mà khách hàng mong muốn, hoặc không thì content của họ sẽ trở nên kém phù hợp. Khối lượng thông tin trên Internet là khổng lồ và việc tiếp thu hết mọi thứ trong tầm mắt quả là một thử thách khó khăn. Vậy nên, để ghi điểm và “tạo nét” trong đám đông, việc cung cấp những content vừa có giá trị hữu ích nhưng đồng thời cũng cực kỳ súc tích sẽ là một lựa chọn khôn ngoan.

Quảng cáo trên các siêu ứng dụng (Super App)

Chúng ta đã nghe qua nhiều về ứng dụng (app), vậy còn siêu ứng dụng (super app) là gì?

Siêu ứng dụng super app là gì

Super App liệu có siêu phàm như Superman?(Nguồn: Internet)

Super app là một ứng dụng tích hợp nhiều tính năng trong một, hay có thể hiểu như là chứa nhiều ứng dụng con trong đó, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng.

Một số siêu ứng dụng nổi bật tại Việt Nam mà hầu như chúng ta ai cũng sử dụng hằng ngày bao gồm Zalo, Grab, Momo, Shopee… Vượt ra khỏi khuôn khổ của một ứng dụng bình thường, các super app đóng vai trò như là một hệ sinh thái tổng hợp rất nhiều chiến lược và kế hoạch kinh doanh của nhiều lĩnh vực khác nhau.

top các super app tại Châu Á

Mở rộng ra khuôn khổ toàn Châu Á, sân chơi super app còn có sự hiện diện từ các tên tuổi lớn như WeChat, LINE, Kakao, Alipay, Paytm… (Nguồn: Internet)

Các siêu ứng dụng cũng thường xuyên có các chiến dịch, các chương trình truyền thông đều đặn mỗi tháng để thu hút người dùng và khuyến khích các hoạt động tương tác đa dạng. Với số lượng người dùng hoạt động mỗi ngày cực lớn và không ngừng gia tăng, quảng cáo thông qua các siêu ứng dụng sẽ là một xu hướng hấp dẫn để tiếp cận nhanh chóng với hệ thống đối tượng rộng rãi, tăng nhận diện và cải thiện hoạt động làm thương hiệu, đồng thời cộng hưởng vào chiến lược chung của nền tảng.

quảng cáo qua siêu ứng dụng giúp thương hiệu có thêm nhiều khách hàng và tăng nhận diện

Xuất hiện trên các siêu ứng dụng, thương hiệu của bạn có thêm cơ hội để thu hút khách hàng tiềm năng và làm thương hiệu

Mở Rộng Mạng Lưới Khách Hàng Thông Qua Tiếp Thị Liên Kết (Afffiliate Marketing)

Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) chắc hẳn là một thuật ngữ không hề xa lạ với các digital marketer trong thời buổi hiện nay.

Hiểu một cách đơn giản nhất, Affiliate Marketing là mô hình tiếp thị khá giống với hình thức cộng tác viên, mà doanh nghiệp hay thương hiệu sẽ trả hoa hồng trên mỗi đơn hàng cho những người bán sản phẩm/dịch vụ thành công.

Ngày nay, các digital marketer có nhiều lựa chọn hơn về các nền tảng tiếp thị liên kết với nhiều mức hoa hồng hấp dẫn như Amazon, Accesstrade, Dinos, Hyperlead… hay như các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee cũng đã có chính sách chia sẻ hoa hồng cho người dùng tiếp thị thành công.

chương trình tiếp thị liên kết của Shopee

Shopee cũng đã cho ra mắt chương trình tiếp thị liên kết và xây dựng Affiliate Academy để hướng dẫn người dùng bắt đầu kiếm tiền thông qua nền tảng mua sắm lớn này (Nguồn: Internet)

Affiliate marketing không phải là lĩnh vực “độc quyền” cho dân MMO hay những người nắm kỹ thuật chuyên sâu về digital. Hiện nay cuộc chơi này đã trở nên nhộn nhịp hơn khi có sự tham gia của các Influencer (người ảnh hưởng), các KOC (Key Opinion Customer – khách hàng có sức ảnh hưởng – họ là người thử nghiệm, sử dụng và chia sẻ các nhận xét đánh giá về sản phẩm dịch vụ), các Content Creator (nhà sáng tạo nội dung)…

Meta cũng đã bắt đầu phát triển nhiều tính năng hơn cho phép các nhà sáng tạo nội dung được nhận hoa hồng thông qua việc giới thiệu sản phẩm đến người xem và thúc đẩy họ mua hàng.

Tính bền vững, đa dạng, công bằng và hòa hợp

“Sustainability” (bền vững) & “DEI” (Diversity – Đa dạng, Equity – Công bằng, I – Inclusion – Hòa Hợp) là những từ khóa được quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây.  Giá trị của thương hiệu (brand value) ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với khách hàng và điều này tất nhiên sẽ còn tiếp nối trong năm 2022.

các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu

Các mục tiêu toàn cầu cho tầm nhìn phát triển bền vững (Nguồn: Internet)

Thực thi xu hướng này cần có sự minh bạch về tính bền vững trong hoạt động doanh nghiệp, cũng như là những nỗ lực thúc đẩy DEI (tính đa dạng, sự công bằng và hòa hợp) trong các thông điệp mà thương hiệu truyền thông.

DEI diversity equity inclusion

DEI bao gồm sự đa dạng về con người và quan điểm, sự bình đẳng trong chính sách và trong thực tế, sự hòa hợp của mọi tiếng nói và tầm nhìn (Nguồn: Internet)

Do đó, các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cần phải thấm nhuần vào tất cả các cấp nhân sự để trở nên có tính cam kết, thấu hiểu và tạo nên tác động thực sự.

Xu hướng này có thể mở ra nhiều chiến lược hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs – Non-Profit Organizations) hay phi chính phủ (NGOs – Non-Government Organizations) để cam kết và phụng sự vì một mục tiêu cho cộng đồng. Các thương hiệu vừa có thể tăng trưởng mạng lưới khách hàng vừa tạo ra các ảnh hưởng tích cực thông qua việc kết hợp cùng với một đơn vị thích hợp.

thương hiệu có thể hợp tác với các NGO NPO để làm chương trình cộng đồng

Các chiến dịch, chương trình hành động hướng tới phụng sự một mục tiêu chung của cộng đồng có thể tạo ra các giá trị tích cực và bền vững (Nguồn: Internet)

Đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi, tạo ra cơ hội nơi mà chúng ta có thể đóng góp đáng kể vào các hoạt động nhân văn đồng thời cải thiện hình ảnh thương hiệu cũng như phạm vi tiếp cận của mình. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần thể hiện sự ủng hộ của bạn cho một tổ chức NPO hay NGO sẽ không đủ… bạn có thể cân nhắc thêm các hoạt động để thúc đẩy và khai thác thêm nữa tính hiệu quả, chẳng hạn như tiếp thị liên kết (affiliate marketing), quyên góp một phần lợi nhuận hoặc doanh thu cho tổ chức hoặc có thể tài trợ như là một phần của chiến lược marketing chung.

Thực tế, báo cáo Tổng Kết Xu Hướng Tìm Kiếm 2021 của Google (2021 Year in Search Report) cho thấy có sự quan tâm rõ rệt dành cho nhóm các từ khóa liên quan đến cách bảo tồn, tác động của thay đổi khí hậu, tính bền vững… luôn ở mức cao.

Còn theo báo cáo “All in: Inclusion & Diversity drive shopper habits” của Accenture cho thấy rằng các khách hàng sẵn lòng rút ví và chuyển đổi sang các thương hiệu phản ánh được những giá trị mà họ theo đuổi. Những điều mà doanh nghiệp tin tưởng cũng trở nên quan trọng như những gì mà doanh nghiệp làm.

Trung lập về giới (Gender Neutrality)

Vào năm 2021, chúng ta đã chứng kiến các thương hiệu như Old Navy và Pacific Sunwear phát hành các bộ sưu tập quần áo trung lập về giới tính. Không chỉ riêng lĩnh vực thời trang và trong một quốc gia cụ thể, xu hướng hòa nhập này đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới.

xu hướng phát triển sản phẩm trung lập về giới tính

Xu hướng phát triển các sản phẩm – dịch vụ trung lập về giới ngày càng được ủng hộ và đón đầu (Nguồn: Internet)

Trên thực tế, những người trong ngành kỳ vọng sẽ thấy nhiều thương hiệu tránh khỏi định kiến truyền thống về vai trò của giới (gender role) trong nỗ lực tiếp thị và truyền thông để tránh việc trở nên “xa cách” với bất kỳ khách hàng nào.

Các động lực và yếu tố tác động lên các hộ gia đình và con người đã thay đổi, và sẽ tiếp tục thay đổi. Marketing trong nhiều năm tới sẽ trở nên trung lập hơn về giới tính và ít tập trung hơn vào những suy nghĩ kiểu mẫu về giới tính của một người và những nội dung phù hợp mà họ sẽ nhìn thấy (chẳng hạn như sản phẩm skincare chỉ thiên về cho phái nữ, hay đồ công nghệ chỉ có nam giới quan tâm…).

Đoạn commercial video quảng cáo cho dòng sản phẩm Barbie hợp tác với thương hiệu thời trang Moschino cũng gây ra nhiều sự bất ngờ và truyền tải một thông điệp thú vị. Các hình mẫu định danh về giới đã bị thay thế và gỡ bỏ khi có sự xuất hiện của một bé trai. Bạn có thể xem trong video dưới đây.

Các thương hiệu ngày nay phải phản ánh chân thực được nhiều khía cạnh, nhiều chân dung khác nhau trong thông điệp tiếp thị của họ khi cơ cấu dân số ngày càng có sự đa dạng hóa. Việc cho khách hàng nhìn thấy những cá nhân khác có ngoại hình và phong cách sống giống như họ giúp khách hàng cảm thấy mình như được đại diện và do đó bị thu hút bởi thương hiệu nhiều hơn.

Tổng kết

Trên đây là những xu hướng digital marketing 2023 sẽ phát triển trong thời gian sắp tới, một vài xu hướng sẽ dễ dàng triển khai hơn cho doanh nghiệp của bạn so với số còn lại. Trong một số trường hợp, bạn có thể “để mắt” đến chúng như là những định hướng tổng quan để theo dõi, cập nhật và khám phá – nhưng hãy nhớ ngày, bạn càng thực hiện sớm thì càng có ưu thế chủ động. Chiến lược marketing của bạn trong năm nay và những năm về sau nên bắt đầu cân nhắc đến những nội dung trong bài viết này.

Hãy đón đọc những bài viết tiếp theo từ Digital Marketing Á Âu nhé!

Điểm: 4.8 (50 bình chọn)

Tác giả: Lâm Vĩ

Tôi là một Marketer, hiện đang công tác tại Hướng Nghiệp Á Âu với vai trò nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các giải pháp tiếp thị hiệu quả trong thế giới Digital Marketing.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn