Bỏ Túi 3 Cách Làm Bánh Ú Chuẩn Vị Cho Mâm Cúng Ngày Tết Đoan Ngọ

Bạn đã biết cách làm bánh ú đơn giản, không cầu kỳ từ  chọn nguyên liệu cho đến cách luộc bánh. Chỉ cần một chút khéo léo và tỉ mẩn là có thể thực hiện thành công món ăn này. Mời bạn đọc cùng tham khảo các công thức làm bánh ú sau đây của Hướng Nghiệp Á Âu (HNAAu) để thưởng thức  trong các dịp lễ, tết…

Bánh ú mềm dẻo thơm ngon

Bánh ú mềm dẻo thơm ngon. Ảnh: Internet

Bánh ú với tên gọi giản dị, thường có hình chóp. Không nổi trội và xuất hiện thường xuyên như bánh chưng, bánh tét nhưng từ lâu bánh ú cũng đã góp phần quan trọng vào nét đẹp văn hóa của người Việt.

Cách làm bánh ú mặn miền Tây

Bánh ú nhân mặn ở miền Tây được gói từ nếp, thịt ba rọi, đậu xanh, đậu đỏ, thường có thêm trứng vịt hoặc trứng muối để hương vị thêm phần hấp dẫn.

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 1kg
  • Thịt ba rọi: 200gr
  • Nước cốt dừa: 400ml
  • Lạp xưởng: 2 cây
  • Đậu xanh: 200gr
  • Đậu phộng: 50gr
  • Lòng đỏ trứng muối
  • Tôm khô: 50gr
  • Lá dứa tươi: 8 cọng
  • Lá chuối và dây lạt
  • Hành tím: 2 củ
  • Gia vị: muối, hạt nêm, mắm, đường
  • Một ít hạt tiêu

Các bước thực hiện

Chuẩn bị nguyên liệu

Đậu xanh sau khi ngâm với nước cho mềm, rửa sạch rồi mang đi nấu cùng 1 thìa cà phê muối. Đợi đến lúc nước sôi, bạn vớt phần bọt nổi lên trên bề mặt, đậy nắp tiếp tục nấu đến khi chín.

Ngâm đậu xanh

Ngâm đậu xanh từ 4 – 5 tiếng trước khi luộc

Tương tự với đậu xanh, bạn nấu đậu phộng cùng một ít nước lọc trong khoảng 20 phút là đậu chín, vớt ra bát riêng. Tiếp đến là đậu đen, luộc trong khoảng 10 phút cho chín mềm, sau đó vớt đậu ra bát cho nguội.

Tôm khô rửa sạch và ngâm nước trong khoảng 10 phút. Lạp xưởng chần sơ qua nước sôi, để ráo rồi cắt hạt lựu dày khoảng 0.5 cm. Hành tím sơ chế, băm nhỏ hoặc giã nhuyễn.

Thịt ba rọi rửa sạch, để ráo rồi cắt thành từng miếng nhỏ, cho thịt vào bát, thêm hành tím, ½ muỗng cà phê đường, 1/3 muỗng cà phê nước mắm, ¼ muỗng cà phê bột ngọt và tiêu xay tùy vào khẩu vị của gia đình bạn.

Thêm gia vị vào thịt ba rọi

Thêm gia vị vào thịt ba rọi rồi tẩm ướp trong khoảng 30 phút cho đậm đà

Chuẩn bị nếp

Lá dứa rửa sạch, cắt thành từng đoạn khoảng 5 – 6 cm rồi xay nhuyễn cùng 100ml nước, kế đó lọc lấy phần nước cốt lá dứa.

Dùng nước cốt lá dứa

Dùng nước cốt lá dứa để mang lại hương thơm và mùi vị đặc trưng cho bánh ú

Vo nếp thật kỹ để

Vo nếp thật kỹ để bánh được ngon và bảo quản dài ngày hơn

Nếp vo thật kỹ, để ráo rồi cho vào chảo cùng nước cốt lá dứa và nước cốt dừa, trộn đều sau đó đun với lửa lớn. khi thấy phần nước trong chảo đã sôi, tiếp tục đảo cho đến khi phần nếp khô cạn nước, bạn cho đậu đen vào cùng, đảo đều thêm 2 – 3 phút thì tắt bếp.

Làm nhân bánh

Bắt chảo lên bếp, phi thơm hành tím cùng một ít dầu ăn, kế tiếp bạn cho tôm khô vào xào cùng một ít muối, đường và tiêu xay tùy theo khẩu vị, tắt bếp rồi cho tôm khô ra bát riêng.

Bạn vẫn dùng chiếc chảo vừa xào tôm khô, thêm 1 muỗng canh dầu ăn cùng hành tím vào phi thơm. Tiếp theo, cho đậu xanh đã hấp chín vào xào ở lửa vừa, nêm thêm tiêu và xào đến khi đậu mềm, nhuyễn mịn thì tắt bếp.

Gói bánh

Lá chuối sau khi rửa sạch, bạn trụng sơ qua nước sôi để khi gói bánh ú không bị rách. Tiếp đó vớt lá ra ngoài để ráo, lau thật khô. Kích thước chiều ngang của miếng lá chuối từ khoảng 22 – 24 cm, chiều dài 30 cm.

Ngâm dây lạt trong nước trước khi gói bánh

Ngâm dây lạt trong nước trước khi gói bánh, dây mềm sẽ dễ thao tác hơn

Để gói bánh ú, bạn dùng hai miếng lá chuối đặt lên nhau rồi xếp thành hình phễu, cân chỉnh cho miếng lá đều đặn và đẹp mắt thì cho 2 muỗng canh nếp vào, dàn thật đều. Lần lượt cho đậu xanh, thịt ba rọi, 1 – 2 con tôm khô lạp xưởng, lòng đỏ trứng muối, 4 – 5 hạt đậu phộng, cuối cùng là một ít đậu xanh, dàn đều để đậu bao bọc phần nhân. Tiếp đó, bạn cho thêm 2 muỗng canh nếp vào, dàn đều và ấn nhẹ.

Xếp phần đáy bánh thành hình chóp có 3 góc đặc trưng rồi đặt bánh lên trên dây lạt, buộc bánh lại là hoàn thành. Cắt dây và giữ lại một đoạn khoảng 10 cm để cột các bánh lại thành chùm.

Nấu bánh:

Bánh được nấu ngập nước trong khoảng 3 – 3,5 giờ, tùy vào kích cỡ bánh có thể thời gian chín sẽ lâu hơn. Tinh bột nếp trong bánh ú sẽ được hồ hóa hoàn toàn tạo nên thành phẩm mềm, dẻo, dính và chuyển từ đục sang trong đặc trưng, nhân bánh đậm đà, thơm ngon khó cưỡng.

Bánh ú mặn miền Tây

Bánh ú mặn miền Tây trứ danh với hương vị đậm đà, đặc trưng. Ảnh: Internet

Cách làm bánh ú tro nhân đậu xanh lá tre

Bánh ú tro dễ làm, dân gian truyền miệng nhau đây là thức ăn gắn liền với những lần chạy giặc, tha phương cầu thực. Ngày nay, món ăn này thường xuất hiện vào dịp Tết Đoan ngọ trên mâm cúng của mỗi gia đình bên cạnh các loại trái cây, rượu nếp, chè, xôi… để cầu cho mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500gr
  • Đậu xanh: 150gr
  • Tro tàu: 2 viên
  • Lá tre và dây lạt
  • Gia vị: đường, muối

Công đoạn thực hiện

Ngâm nếp

Đầu tiên, ngâm tro vào nước sạch khoảng một tiếng để lấy phần nước trong. Tiếp theo, cho nếp vào ngâm trong phần nước này khoảng một ngày, một đêm rồi vo rửa sạch nếp lại bằng nước sạch.

Làm nhân đậu xanh

Về phần nhân bánh, đậu xanh bạn rửa sạch, nhặt bỏ những hạt bị hỏng, luộc chín cùng một ít muối rồi vớt ra để ráo nước, kế đó mang đi xay nhuyễn.

Khi đậu đã nhuyễn mịn, trộn cùng đường cho thật đều rồi xào với một ít muối, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị. Bạn để nhân nguội bớt rồi vo thành các viên nhỏ tròn đều. Vậy là đã hoàn thiện phần nhân bánh, bước tiếp theo chúng ta chuyển sang công đoạn gói bánh ú.

Nhiều hơn nữa, một số nơi còn thêm dừa rám vỏ bào sợi vào xào với đường cát để bánh ú thêm béo, bùi. Nếu thích dùng bánh ú nhân đậu xanh có thêm dừa, bạn hãy tham khảo cách làm này.

Chuẩn bị lá tre và gói bánh

Trước khi gói bánh ú, lá tre phải được rửa thật sạch, phơi cho lá hơi bị héo để làm mềm, không bị rách và dễ gói.

Bánh ú tro

Bánh ú tro là món ăn không thể thiếu của Tết Đoan ngọ. Ảnh: Internet

Khi gói, bạn xếp hai chiếc lá tre lại với nhau tạo thành một chiếc phễu nhỏ, cho nếp và nhân vào rồi gói lại tạo thành hình chóp có 4 góc rồi dùng dây buộc lại.

Luộc bánh ú lá tre

Sau khi gói bánh xong, cột bánh lại thành từng chùm rồi cho vào nồi luộc.

Thời gian luộc khoảng 3 giờ đồng hồ là bánh chín tới, sau đó vớt từng chùm bánh ra rửa lại với nước lạnh và để thật ráo nước. Như vậy là cách làm bánh ú tro nhân đậu xanh lá tre đã hoàn thành và đã thưởng thức được.

Bánh ú sau khi luộc chín

Bánh ú sau khi luộc chín thì vớt ra để ráo, tháo dây rồi bày biện lên mâm cỗ. Ảnh: Internet

Cách làm bánh ú chay không nhân

Bánh ú chay không nhân (hay gọi là bánh tro, bánh gio) có vị nhạt, tính mát, thường ăn với đường hoặc mật ong. Bên cạnh hương vị thơm ngon đặc trưng, loại bánh này còn có tác dụng giải nhiệt cơ thể trong những ngày tiết trời oi bức.

Nếu như Tết Đoan Ngọ của người Hoa có bánh bá trạng thì với người Việt, nhất định phải có bánh ú tro, bánh ú chay không nhân.

Bánh ú tro chay không nhân

Bánh ú tro chay không nhân dùng kèm đường hoặc mật mía. Ảnh: Internet

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500gram
  • Nước tro tàu: 2 muỗng canh
  • Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Lá tre và dây lạt

Các bước thực hiện

Chuẩn bị nếp

Để làm bánh ú truyền thống, nếp phải được ngâm nửa ngày cho nở, sau đó vớt ra xả lại nước cho thật sạch, để ráo.

Tiếp theo, dùng 70ml nước lọc pha với nước tro tàu rồi cho vào nếp đã để ráo, trộn đều, để qua đêm. Như vậy, nếp sau khi chín sẽ trong, kết dính và bóng bẩy.

Sau một đêm, bạn lấy nếp ra xả lại với nước vài lần rồi để ráo, trộn vào một muỗng canh dầu ăn, xóc đều.

Gói bánh ú

Trước khi gói bánh, bạn ngâm lá tre với nước ấm, rửa sạch rồi trụng nước sôi cho lá héo, vớt ra để ráo rồi lau thật khô.

Xếp hai chiếc lá tre lại với nhau, gấp lại để tạo thành một chiếc phễu nhỏ, tiếp đến bạn cho 2 muỗng canh nếp vào, gấp lại tạo thành hình tam giác, dùng dây cột chặt bánh lại.

Luộc bánh ú chay không nhân

Sau khi đã gói hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị, bạn lần lượt xếp bánh vào nồi, đổ nước cho ngập mặt bánh. Bắt nồi lên bếp, nấu sôi bằng lửa to, khi bánh sôi thì giảm lửa vừa, nấu khoảng 3 giờ là bánh chín.

Thành phẩm bánh ú tro vàng

Thành phẩm bánh ú tro vàng óng, dai, dẻo, thơm ngon. Ảnh: Internet

Những lưu ý khi làm bánh ú tro

Cách chọn nguyên liệu

  • Bánh ú có nguyên liệu chủ yếu là nếp, nên chọn nếp to hạt, chắc mẩy và phơi ít nhất hai nắng để thành phẩm thơm, bùi, vừa thanh vừa đậm.
  • Cột bằng dây chuối phơi khô (hoặc dây ni – lông).
  • Nếu khó tìm thấy lá tre, chọn lá dong còn nguyên vẹn, rửa sạch rồi lau thật khô trước khi gói.
  • Thông thường, bánh ú được gói bằng lá chuối và lá tre. Tuy nhiên bánh ú lá tre có màu sắc và hương vị đậm đà, thơm ngon hơn bánh ú được gói hoàn toàn bằng lá chuối. Chọn lá tre loại to bản, mỏng và xanh.

Cách bảo quản

Bánh ú khi luộc xong nên vớt ra để ráo nước, bảo quản ở nhiệt độ thường từ 5 – 7 ngày mà không sợ ôi, thiu.

Lưu ý khi thực hiện

  • Khi buộc bánh không được buộc quá chặt hoặc quá lỏng. Vì nếu buộc chặt nếp nở ra sẽ bị tràn ra ngoài vỏ, ngược lại nếu buộc lỏng, bánh sẽ nhão và ăn không ngon.
  • Bánh trước khi cho vô nồi, nước phải thật sôi. Trong quá trình luộc, bạn phải châm nước nóng liên tục khi nồi vơi nước dần vì nước không ngập mặt sẽ làm bánh sống hoặc sượng.

Bánh ú nhà làm

Bánh ú nhà làm với hương vị mộc mạc. Ảnh: Internet

Hi vọng với cách làm bánh ú của Hướng Nghiệp Á Âu (HNAAu) các tín đồ yêu bếp sẽ thực hiện thành công món bánh này ngay từ lần đầu tiên. Bánh ú không chỉ dùng vào dịp Tết Đoan Ngọ, món bánh truyền thống này cũng rất thích hợp làm quà tặng cho người thân, bạn bè, khách hàng, đối tác vừa ngon miệng, lịch sự lại rất trang trọng.

Nếu bạn đang muốn học làm bánh, có tình cảm và sự yêu thích đặc biệt với các món bánh truyền thống hãy tham gia khóa học làm Bánh Việt của HNAAu để nắm trọn công thức, kỹ năng  làm nên những chiếc bánh thơm ngon đậm, đậm chất Việt bạn nhé!

Điểm: 4.9 (36 bình chọn)

Tác giả: Phương Phạm Jeenis

Jeenis Phương Phạm với hơn 5 năm kinh nghiệm nghề làm việc tại Khách sạn 5 sao tại TP.HCM và được đánh giá cao với những thành phẩm độc đáo và kỹ thuật décor cực kỳ sáng tạo. Cô Phạm Nguyễn Mai Phương hiện nay đang là Giảng viên Bếp Bánh tại Hướng Nghiệp Á Âu và là cố vấn nội dung với rất nhiều chia sẻ về công thức, bí quyết và kỹ thuật làm bánh đạt chuẩn. Những nội dung mà cô cung cấp cho website chắc chắn sẽ giúp bạn chinh phục các món bánh thơm ngon, hấp dẫn và có nhiều trải nghiệm thú vị trong căn bếp của mình.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn