Ngũ Vị Hương – Gia Vị Độc Đáo Trong Ẩm Thực Việt

Ngũ vị hương là một trong những loại gia vị phổ biến ở các quốc gia châu Á, bạn có thể bắt gặp vị thơm ngon, cuốn hút này trong nhiều món ăn truyền thống của người Việt… Nhưng chắc chắn, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa, công dụng hay cách sử dụng của ngũ vị hương trong phương pháp chế biến món ăn của người Việt.

Vị thơm mang đậm phong cách ẩm thực phương Đông của ngũ vị hương đã khiến cho nhiều người phương Tây phải trầm trồ, thán phục. Chỉ với một chút bột mịn thôi nhưng lại mang đến cho món thịt, hải sản hay rau củ trở nên cuốn hút và kích thích vị giác. Bên cạnh những hương vị thơm ngon mang đến cho món ăn, ngũ vị hương còn rất tốt cho sức khỏe bởi được chiết xuất từ các loại thảo mộc quý trong thiên nhiên và mang triết lý văn hóa sâu sắc trong đời sống của người Việt.

Ngũ vị hương

Ngũ vị hương, một trong những loại gia vị được yêu thích trong
ẩm thực phương Đông. Ảnh: internet

Ngũ vị hương là gì?

Ngũ vị hương là một loại gia vị trong chế biến món ăn, được tạo thành bởi 5 loại vị cơ bản trong ẩm thực: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Ngũ vị hương thể hiện rõ nét phong cách ẩm thực của người phương Đông, nơi xuất phát của nhiều loại gia vị. Thành phần của ngũ vị hương không giống nhau mà thay đổi tùy theo mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, tùy thuộc vào khẩu vị, đặc sản của địa phương đó. Nhưng công thức truyền thống vẫn là sự pha trộn của tiêu, quế, đinh hương, hồi hương và hạt cây thì là.

Có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc của ngũ vị hương là ở vùng Quảng Đông của Trung Quốc tuy nhiên các quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng đã từng sử dụng ngũ vị hương là gia vị chính trong những món ăn truyền thống của mình từ rất lâu. Bengal – một quốc gia ở phía Tây Ấn Độ cũng dùng loại “ngũ vị” tên là Panch phoron, gồm năm loại hạt: hạt Nigella, hạt mù tạc đen, hạt cỏ ca-ri, hạt thì là và hạt thì là Ai Cập. Người Nhật lại có một loại “thất vị hương” tên là Shichimi Togarashi, gồm đến 7 loại có thành phần khác nhau. Tại Hawai, một vài nhà hàng đặt lên mỗi bàn ăn một lọ ngũ vị hương để khách dử dụng. Người Việt Nam cũng sử dụng ngũ vị hương cho một số món quay, kho, nước xốt…

Các thành phần chính của ngũ vị hương

Tiêu được sử dụng để chiết xuất thành ngũ vị hương theo đúng chuẩn thì phải là loại tiêu Szechwan, còn gọi là hoa tiêu hay xuyên tiêu, một loại đặc sản vùng Tứ Xuyên. Gọi là tiêu nhưng Szechwan thuộc họ chanh, không cay, vị mạnh tựa mùi long não. Người ta chỉ dùng vỏ ngoài màu đỏ sẫm xay thành bột sau khi phơi khô. Vì không dễ kiếm trên thị trường, nên hoa tiêu thường được thay bằng tiêu hột. Tiêu có tác dụng kích thích tiêu hóa, ấm bụng, giảm đau, chống nôn.

Hồi hương là quả của cây hồi, có hình năm cánh xòe ra. Cây hồi phải được trồng từ 6 năm trở lên mới bắt đầu cho quả. Quả được hái khi chưa chín và được phơi cho đến khi có màu nâu. Ngoài được sử dụng chính trong ngũ vị hương, hồi hương còn dùng để làm tăng mùi bị cho bánh ngọt, bánh mì và thức uống như trà. Hồi hương có thể chữa đau họng, ho.

Đinh hương: nụ đinh hương sau khi được phơi khô sẽ có hương thơm, nhiều tinh dầu, hơi vàng nâu và rắn. Nụ đinh hương dùng để ướp thịt cá, bánh ngọt và thức uống. Do đinh hương tạo mùi rất mạnh nên bạn chỉ cần dùng một lượng ít khi sử dụng cho món ăn của mình. Trong Đông y, đinh hương được dùng để trị thổ tả, đau bụng còn trong Tây y thì nó kích thích tiêu hóa, sát trùng vết thương.

Vỏ quế là một trong những loại thảo mộc được sử dụng nhiều trong các món bánh của người châu Âu tuy nhiên người châu Á lại thích sử dụng quế cho các món ăn mặn. Để làm cho món ăn thêm mùi vị, quế chắc chắn là một thành phần không thể thiếu trong ngũ vị hương. Quế giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, trị các vấn đề về hô hấp, giảm đau cơ khớp, cải thiện hệ miễn dịch.

Thì là tuy có nguồn gốc từ các vùng Địa Trung Hải nhưng được người Trung Quốc và Ấn Độ biết đến từ rất sớm, có mùi thơm rất nhẹ nhàng và kích thích. Thì là là vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giúp điều hòa thể trọng, bổ thận, trị đau bụng, đầy bụng.

Ngoài 5 loại thảo mộc trên, tùy theo mỗi vùng lãnh thổ mà người dân thay thế hoặc gia giảm các thành phần. Một công thức thông dụng khác của ngũ vị hương là bao gồm nhục quế, hồ tiêu, đinh hương, tiểu hồi hương và đại hồi. Một số bột ngũ vị hương bán trên thị trường sẽ có thêm bột ớt hay gừng.

Nguyên liệu ngũ vị hương

Các nguyên liệu tạo nên ngũ vị hương đều là những thảo mộc quý trong thiên nhiên

Câu hỏi được nhiều bà nội trợ cũng như những thực khách quan tâm đó chính là: “ngũ vị hương có độc không?” Theo quan niệm của Đông y, ngũ vị hương được sử dụng để cân bằng âm dương trong món ăn và trong cơ thể con người. Với người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, ăn uống chính là phương pháp giúp điều hòa cơ thể, tăng cường sức khỏe mỗi ngày. Do đó, thức ăn phải tốt, hài hòa âm dương để cơ thể luôn được thông khí, bổ huyết. Chính vì thế, ngũ vị hương càng được ưa chuộng trong ẩm thực truyền thống, với các gia vị tự thân đã là vị thuốc quí, khi kết hợp lại luôn tuân theo nguyên tắc quân bình âm dương.

Thưởng thức món ăn có chút ngũ vị hương, bạn sẽ cảm nhận một hương vị rất khác. Sự hài hòa của mùi vị, màu sắc và cân bằng âm dương mà ngũ vị hương mang lại sẽ cho bạn trải nghiệm ẩm thực thật đáng nhớ.

Điểm: 4.8 (48 bình chọn)

Tác giả: Bùi Tiến Dũng

Bùi Tiến Dũng là giảng viên chuyên ngành Bếp Nóng tại Hướng Nghiệp Á Âu. Là một người yêu ẩm thực và đam mê tìm hiểu các kỹ thuật nấu ăn, Bùi Tiến Dũng sẽ bổ sung cho bạn những kiến thức bổ ích, có thể áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn