Lướt dọc NewsFeed, bạn sẽ thấy các quảng cáo video (Facebook Video Ads). Các video ngày càng trở nên bùng nổ hơn với số lượng rất lớn. Một trong những nghiên cứu được thực hiện cách đây vài năm nhận thấy rằng “Có đến 8 tỉ lượt xem hằng ngày dành cho Facebook Video vào tháng 11 năm 2015 – tăng trưởng 100% so với 6 tháng trước đó”.
Dưới đây là một số liệu thú vị khác. Lượt tiếp cận tự nhiên của các video trên Facebook tốt hơn 135% so với hình ảnh.
(Nguồn ảnh: Internet)
Điều này có nghĩa là số lượng cơ hội để chúng ta khai thác là không tưởng. Nếu muốn thành công, hãy cân nhắc đến việc triển khai các mẩu quảng cáo video trên Facebook trong chiến lược marketing của mình để thu về những kết quả to lớn.
Tất cả chúng ta đều biết là một trong những trở ngại lớn nhất của quảng cáo chính là chi phí, và cũng giống với bất kỳ loại hình quảng cáo trả phí nào khác, bạn chắc chắn sẽ muốn giảm tối đa chi phí và tối đa hóa ROI của mình.
(Nguồn ảnh: Internet)
Có nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu này, Khóa học Digital Marketing Á Âu sẽ chia sẻ cho bạn những gợi ý dựa trên case study thực tế đã được thử nghiệm bởi các chuyên gia với kết quả giảm đến 81% giá CPM (chi phí trên 1000 lượt hiển thị). Hãy cùng khám phá xem 5 mẹo này là gì nhé!
1. Chỉ sử dụng những video bạn biết sẽ có nhiều tương tác để chạy Facebook Ads
Điều này trông có vẻ đơn giản nhưng nhiều người vẫn hay bỏ qua.
Chúng ta thường chỉ “chăm chăm” tải video lên Facebook mà không dành thời gian để thực hiện một số thử nghiệm phân tách (split-testing) trước đó.
Hãy tạo một số video hoặc các phiên bản khác nhau của một video (ít nhất là 3), và thực hiện một số thử nghiệm phân tách để xem video nào nhận được phản hồi tốt nhất.
Tuy nhiên, hãy đặt chúng ở trên những kênh không mất phí. Ví dụ, bạn có thể:
- Đăng tải video như thông thường lên Facebook
- Đặt chúng trên website hoặc trang blog
- Đặt trên các kênh mạng xã hội khác
Tiếp đến, hãy quan sát một số chỉ số chính như:
- Tỉ lệ nhấp nút “play”
- Thời lượng xem trung bình
- Mức độ tương tác
- Số lượng lead tạo ra qua mỗi video
- Số lượng chuyển đổi thu được qua video
Biểu đồ dưới đây minh họa các phương pháp khác nhau để đo lường hiệu quả của một video:
(Nguồn ảnh: Internet)
Các yếu tố theo thứ tự lần lượt bao gồm:
- Tỉ lệ nhấp vào (click through rate)
- Doanh số sản phẩm thực tế
- Lượng truy cập vào website doanh nghiệp
- Nhận biết thương hiệu hoặc gợi nhớ thương hiệu
- Tỉ lệ hoàn thành (xem xong) video
- Lượng đối tượng mục tiêu đã tiếp cận
- Tương tác trên mạng xã hội (lượt thích/chia sẻ)
- Thời gian xem video
- Số lần xem video
- Ý định mua hàng
Trước khi bạn bỏ rất nhiều tiền vào hoạt động quảng cáo video trên Facebook, hãy kiểm tra thử trước và xem các video nào được nhiều đối tượng mục tiêu tương tác nhất. Bằng cách đó, bạn có thể tự tin hơn khi triển khai quảng cáo và từ đó làm giảm CPM xuống một cách đáng kể.
2. Chú ý đến độ dài của video
Công ty Wistia đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa thời lượng của video và mức độ tương tác. Họ đã nghiên cứu 564,710 video với hơn 1,3 tỉ lượt phát trong nghiên cứu của họ. Và đây là những kết quả rút ra được:
(Nguồn ảnh: Internet)
Như bạn có thể thấy, mức độ tương tác khá ổn định đến mức 2 phút:
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhưng sau mốc 2 phút, thì tương tác đã giảm đáng kể đến mốc 6 phút. Tại đây, lượng tương tác tiếp tục giữ ổn định cho đến mốc 12 phút.
(Nguồn ảnh: Internet)
Như vậy, bạn có thể thấy không nên làm các video quảng cáo trên Facebook dài hơn 2 phút. Bạn có thể sẽ không thu được kết quả nào mà chỉ làm lãng phí ngân sách nếu vượt qua giới hạn này. Bên cạnh giới hạn 2 phút này, Wistia cũng đưa ra một quan điểm thú vị khác:
Tương tác giữ ổn định cho đến 2 phút, nghĩa là một video dài 90 giây sẽ có thu hút được sự chú ý của người xem ở mức độ tương đương như một v ideo dài 30 giây. Đây là một thông tin gây bất ngờ và có thể triển khai thành kế hoạch hành động cho những người dùng video để quảng cáo.
Nếu bạn đang làm những video ngắn, bạn không cần phải làm rõ sự khác biệt giữa vài giây với nhau. Chỉ cần giữ nó dưới 2 phút là được. Việc này có thể giúp tối đa hóa lượng tương tác và làm giảm CPM.
Trong trường hợp bạn phải làm video dài hơn, hãy giữ độ dài trong khoảng từ 6-12 phút, vì theo như biểu đồ thì đây là vùng có tương tác ổn định nhiều thứ hai trước khi nó tiếp tục suy giảm.
Và những video nào dài hơn 12 phút dùng để chạy quảng cáo thì hầu như sẽ không có ý nghĩa gì cả.
3. Quảng cáo “mà không quảng cáo”
Đây là một điều bạn cần biết trước khi triển khai Facebook Ads: Phần lớn mọi người đều không có tâm thế mua hàng khi họ mở Facebook lên. Họ chỉ đơn giản là đang kiểm tra xem có gì mới diễn ra xung quanh họ hay không, hay những bạn bè và gia đình của họ đang làm gì.
Họ không có suy nghĩ kiểu mình sẽ mở Facebook lên để mua hàng. Đó là tư duy khi họ truy cập vào các trang thương mại điện tử, nhưng không phải Facebook. Trong trường hợp này, ý định mua hàng của họ rất thấp.
Biểu đồ dưới đây minh họa về xu hướng mọi người tiêu thụ thời gian của mình trên Facebook:
(Nguồn ảnh: Internet)
Trong số các hoạt động trên, không có hoạt động nào liên quan đến việc mua hàng cả. Đây là điều quan trọng cần phải ghi nhớ khi bạn xây dựng nội dung cho video quảng cáo của mình. Bạn sẽ không muốn mình nhồi vào đầu người dùng những đoạn quảng cáo với hi vọng họ sẽ mua hàng của bạn.
Điều bạn nên làm đó là quảng bá sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu mà không làm cho nó trông như đang quảng cáo. Bạn cần phải tinh tế và thoải mái.
Làm thế nào để có thể truyền tải thông điệp của mình mà không làm cho khách hàng cảm thấy bạn quá thúc ép hoặc đang cố bán thứ gì đó? Sau đây là một số gợi ý:
- Lồng vào các yếu tố hài hước trong quảng cáo
- Sử dụng kỹ thuật storytelling
- Làm cho họ bất ngờ
- Dạy họ một điều gì đó
- Đưa ra những thông tin hữu ích và sâu sắc
Nói cách khác, hãy gạt đi những bài thuyết giảng để thuyết phục người xem mua hàng. Mọi người không thích như thế, và việc này chỉ làm tăng CPM của bạn.
Thay vào đó, hãy làm cho video của mình có tính giải trí và cố gắng tạo nên sự kết nối chân thành với họ.
4. Thêm chú thích
Có một hiện tượng xảy ra đối với các video trên Facebook mà có thể bạn cũng thấy, đó là nhiều người trong số chúng ta không bật tiếng khi xem video. Và có nhiều lý do cho việc này.
Ví dụ, một người có thể đang làm việc và “tranh thủ” giải lao bằng Facebook. Hay một người có thể truy cập Facebook trên di động tại nơi công cộng và họ không muốn điện thoại của mình phát ra tiếng động gây sự chú ý của những người xung quanh.
Và do đó, nếu video quảng cáo của bạn thiếu đi chú thích, thì điều này có thể là một vấn đề bởi vì người xem sẽ khó phân tích được xem bạn đang cố gắng quảng bá sản phẩm hay dịch vụ gì.
Một nghiên cứu về các video quảng cáo trên Facebook thậm chí đã phát hiện rằng: Có 41% video sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có tiếng. Và bên cạnh đó, nhiều người cũng sẽ lướt qua quảng cáo của bạn để lướt xem những nội dung thú vị hơn.
Nếu bạn chưa thực hiện chú thích cho video của mình, thì đây là lúc nên bắt đầu. Việc này gần như sẽ làm tăng lượng tương tác và theo đó làm giảm đi giá CPM của bạn. Thực tế, một thử nghiệm nội bộ của Facebook đã cho thấy kết quả rằng những video quảng cáo có kèm chú thích giúp tăng thời lượng xem của video lên khoảng 12%.
5. Thêm âm nhạc cho những người xem muốn nghe
Quan điểm này có vẻ hơi trái ngược với những gì vừa được trình bày ở trên. Nhưng vẫn có một thành phần người dùng sẽ xem quảng cáo và bật tiếng. Bạn nên làm tất cả mọi thứ một cách hoàn chỉnh trong khả năng cho phép để tăng sự chú ý của họ.
Và một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện việc này chính là chèn âm nhạc vào. Chắc chắn rằng chúng ta đều đã nghe qua về lợi ích của âm nhạc đối với việc hỗ trợ học sinh học tập:
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhưng không phải bất kỳ thể loại nhạc cũng có thể được dùng trong quảng cáo. Đó không phải là thể loại nhạc làm cản trở và lấn át đi những gì đang được một người trong video trình bày. Những âm nhạc được chọn phải phù hợp với mục đích sử dụng, hài hòa cùng phần hình ảnh để tôn lên nội dung đang muốn truyền tải.
Vậy loại nhạc nào mới là lý tưởng?
Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để xác định xem loại âm nhạc nào hỗ trợ cho việc tập trung và thu hút sự chú ý. Và kết quả cho thấy, nhạc cổ điển (classical music) có kết quả khá nổi bật. Theo một nghiên cứu thì “các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc nghe nhạc cổ điển có tác động hiệu quả nhất đối với việc cải thiện sự chú ý về mặt thị giác”.
Điều này không có nghĩa là nhất thiết bạn phải sử dụng nhạc cổ điển trong video của mình. Nó chỉ có nghĩa nhạc cổ điển là một trong những loại nhạc tốt nhất để thu hút sự chú ý của người xem.
Dưới đây là một gợi ý nhỏ: Hãy phát một loại nhạc nền nào đó xuyên suốt thời lượng của phần lớn quảng cáo của bạn. Nếu nhạc cổ điển tỏ ra phù hợp với thông điệp, thương hiệu, chủ đề… của bạn thì điều đó thật tuyệt vời, hãy tiếp tục phát huy điều đó. Nhưng nếu không, hãy chọn một loại nhạc bạn cảm thấy phù hợp để tối ưu hóa cho video của mình.
Hãy thử nghiệm với một vài phương án khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy được một lựa chọn hài hòa nhất với nội dung của mình.
Kết luận
Quảng cáo video trên Facebook là một hình thức tương đối hiệu quả về mặt chi phí. Nhiều người không hoàn toàn có ý định mua hàng khi sử dụng Facebook, nhưng nếu được sử dụng một cách thông minh và đúng đắn, thì video ads có thể mang lại những hiệu quả bất ngờ.
Tất nhiên, không phải chúng ta chỉ đơn thuần là “quăng” video lên và xem kết quả mà nó mang lại thế nào. Điều quan trọng ở đây là có được một tỉ lệ ROI nhất định và giảm đi chi phí CPM.
Những kỹ thuật trên đây đã được nhiều người thực hiện và làm giảm mức CPM đến 81%. Còn bạn thì sao? Bạn có mẹo nào áp dụng cho Video Ads để chia sẻ với mọi người không? Nếu có hãy để lại bình luận dưới đây nhé!
Ý kiến của bạn