Bánh Roti Ấn Độ (bánh Roti Paratha) là một loại bánh mì dẹt không men, phổ biến ở các quốc gia Nam Á với hương vị thơm ngon đặc trưng. Với cách làm sau đây, Hướng Nghiệp Á Âu sẽ giúp bạn hoàn thiện món bánh hấp dẫn này ngay tại nhà, lưu ngay bài viết để thực hiện bạn nhé!
Bánh Roti dễ ăn và kết hợp được với nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: Internet
Bánh Roti Ấn Độ (bánh Roti Paratha) là gì?
Bánh Roti Ấn Độ, còn gọi là bánh Roti Paratha, là một loại bánh mì phổ biến ở Ấn Độ và nhiều quốc gia Nam Á khác.
Kết cấu bánh có các lớp bột mỏng, có độ xốp đặc trưng nhờ kỹ thuật gấp và cán bột trong quá trình chế biến, tạo nên hương vị thơm ngon.
Cách làm bánh Roti Ấn Độ (bánh Roti Paratha) đơn giản tại nhà
Nguyên liệu
Để làm khoảng 8-10 chiếc bánh Roti, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 250g: bột mì nguyên cám (Atta flour)
- 120ml: nước ấm
- 1 phần 2 thìa cà phê muối
- 1 thìa canh dầu ăn hoặc bơ Ghee
- Một ít bột mì để chống dính
Cách làm bánh Roti Paratha
Chuẩn bị bột làm bánh mì Roti
Đầu tiên, bạn cho bột mì nguyên cám vào âu lớn, thêm muối và dầu ăn (hoặc bơ Ghee), trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện. Tiếp theo, bạn từ từ đổ nước ấm vào âu, vừa đổ vừa trộn để bột không bị vón cục.
Khi bột bắt đầu kết dính, dùng tay nhào bột trên mặt phẳng sạch trong khoảng 10 -15 phút. Bạn cần nhào thật kỹ để tạo độ đàn hồi cho bột, giúp bánh mềm và phồng hơn khi nướng.
Để kiểm tra bột đã đạt hay chưa, hãy ấn nhẹ vào khối bột, nếu cảm thấy có độ đàn hồi tốt, không dính tay, không quá khô hoặc quá ướt là bột làm bánh Roti đã đạt chuẩn.
Ủ bột
Sau khi nhào bột xong, bạn đặt khối bột vào tô/ âu lớn, phủ khăn ẩm lên trên và để bột nghỉ trong khoảng 30 phút.
Bạn không nên bỏ qua công đoạn ủ bột, vì bước này giúp bột có thời gian thư giãn, tạo độ dai và giúp bánh không bị khô khi nướng.
Quá trình cho bột nghỉ sẽ giúp thành phẩm có kết cấu mềm hơn, không bị dai
Tạo hình
Sau khi bột nghỉ, chia bột thành 8 – 10 phần nhỏ, vo tròn.
Lấy từng viên bột, lăn nhẹ qua một lớp bột mì khô đã chuẩn bị sẵn, sau đó cán thành hình tròn mỏng với đường kính khoảng 15 – 18cm, tùy thích.
Chia bột thành từng viên có kích thước đều nhau
Trong quá trình cán bột, bạn nên rắc một ít bột mì để chống dính
Nướng bánh Roti bằng chảo
Bạn làm nóng chảo gang hoặc chảo chống dính ở lửa vừa. Nếu dùng chảo quá nóng, bánh sẽ cháy nhanh bên ngoài nhưng chưa chín đều bên trong.
Đặt bánh lên chảo, nướng khoảng 30 giây đến 1 phút cho đến khi thấy mặt dưới có các đốm cháy nhẹ. Tiếp đó, bạn lật mặt bánh, nướng thêm 30 giây để bánh chín đều.
Khi thấy bánh bắt đầu phồng, dùng thìa nhẹ nhàng ấn xuống để bánh nở tròn đẹp hơn, Rồi lật thêm một lần nữa để đảm bảo bánh chín đều cả hai mặt.
Sau khi nướng, bạn có thể phết một lớp bơ mỏng lên mặt bánh để tăng độ béo thơm.
Yêu cầu thành phẩm
Một chiếc bánh Roti Ấn Độ đạt chuẩn cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Về hình dáng: Bánh có hình tròn đều, đường kính khoảng 15-18cm, không bị rách hoặc méo mó. Độ dày vừa phải, không quá mỏng khiến bánh khô, cũng không quá dày làm bánh khó chín đều.
- Về kết cấu: Mềm dẻo nhưng vẫn có độ dai nhẹ, không bị cứng hoặc giòn. Mặt bánh có những đốm cháy xém nhẹ do tiếp xúc trực tiếp với chảo nóng,
- Về hương vị: Bánh phải chín đều cả hai mặt, không bị sống bột ở giữa, có mùi thơm đặc trưng của bột mì nguyên cám (Atta flour). Khi ăn, bánh có vị nhạt đặc trưng, phù hợp để kết hợp với các món ăn kèm như cà ri, xốt bơ hoặc chấm mật ong.
Thành phẩm bánh mì Roti. Ảnh:Internet
Bánh Roti ăn với gì?
Bánh mì Roti phù hợp để ăn kèm với các món mặn như cà ri Ấn Độ (cà ri gà, Dal Tadka, Paneer Butter Masala…), hoặc gà nướng Tandoori.
Bánh Roti kết hợp cùng gà nướng Tandoori tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng
Bạn cũng có thể thưởng thức cùng với đồ ngọt như mật ong, sữa đặc hoặc đường thốt nốt. Một biến tấu mang chút hơi hướng Thái Lan hoặc Ấn Độ vùng Nam, khi bánh Roti được kết hợp với chuối, dừa bào, ăn kèm sữa chua hoặc kem dừa.
Ngoài ra, bánh mì Roti còn được dùng cùng các món chay như Dal (đậu lăng hầm), Saag Paneer (rau bina nấu phô mai): Roti là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn chay của người Ấn Độ.
Lưu ý khi làm bánh Roti tại nhà
Bí quyết chọn nguyên liệu để món bánh ngon như ngoài hàng
- Bột mì: Để bánh có kết cấu dẻo, dai và hương vị chuẩn, hãy chọn bột mì nguyên cám (Atta flour) thay vì bột mì trắng thông thường. Nếu không có bột Atta, bạn có thể thay thế bằng bột mì đa dụng nhưng cần điều chỉnh nước để tránh bánh bị khô hoặc quá cứng.
- Nước: Dùng nước ấm thay vì nước lạnh để giúp bột dễ kết dính, đàn hồi tốt hơn.
- Chất béo: Bánh Roti truyền thống thường dùng bơ Ghee (bơ lỏng tinh khiết của Ấn Độ), giúp bánh thơm béo hơn. Nếu không có Ghee, bạn có thể thay thế bằng dầu thực vật.
Nếu không có sẵn bơ Ghee bạn có thể thay thế bằng dầu ăn. Ảnh: Internet
Lưu ý khi nhào bột và chế biến bánh Roti
- Nhào bột đủ lâu (1015 phút) để gluten trong bột phát triển, giúp bánh có độ đàn hồi tốt.
- Ủ bột tối thiểu 30 phút để bột thư giãn, giúp bánh mềm và dễ cán hơn.
- Không cán quá mỏng để bánh không bị khô khi nướng.
- Chảo phải đủ nóng trước khi đặt bánh lên nướng, giúp bánh chín đều và phồng đẹp.
- Ấn nhẹ lên bánh khi nướng để tạo các túi khí, giúp bánh phồng hơn.
Bảo quản bánh mì Roti tại nhà
Bánh Roti có thể được làm trước và bảo quản để sử dụng sau. Tuy nhiên, để giữ được độ mềm dẻo và hương vị đặc trưng, bạn cần bảo quản đúng cách theo từng khoảng thời gian:
– Bảo quản ngắn hạn (từ 1 – 2 ngày): Bạn để bánh nguội hoàn toàn, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, túi ziplock hoặc cho vào hộp kín để ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí vì có thể làm bánh bị khô cứng.
– Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 3 – 5 ngày): Xếp bánh Roti thành từng lớp, ngăn cách bằng giấy nến hoặc màng bọc thực phẩm để tránh dính vào nhau. Cho vào hộp kín hoặc túi ziplock, để trong ngăn mát tủ lạnh.
– Bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh (từ 1 – 2 tháng): Cán mỏng từng miếng bột Roti sống, xếp chồng lên nhau với giấy nến ở giữa. Tiếp đó, bạn cho vào túi ziplock hoặc hộp đựng thực phẩm rồi cất vào ngăn đông.
Cách hâm nóng bánh mì Roti để giữ được độ mềm dẻo
Khi bảo quản lâu, bánh có thể bị khô hoặc cứng lại, nhưng nếu biết cách làm nóng đúng, bạn vẫn có thể thưởng thức bánh với hương vị thơm ngon như ban đầu. Dưới đây là các phương pháp hâm nóng phổ biến:
– Hâm nóng bằng chảo: Đặt chảo lên bếp, làm nóng với lửa vừa rồi cho bánh Roti vào chảo khô (không dầu), nướng mỗi mặt khoảng 20 – 30 giây, lật đều đến khi bánh mềm và hơi phồng lại. Nếu bánh quá khô, có thể phết một ít bơ Ghee hoặc nước lên mặt bánh để giữ độ ẩm là có thể thưởng thức được.
Bạn hoàn toàn có thể hâm bánh bằng chảo một cách đơn giản
– Hâm nóng bằng lò vi sóng: Đặt bánh Roti vào đĩa rồi quay ở chế độ trung bình khoảng 10 – 15 giây. Nếu bánh vẫn hơi cứng, có thể thêm vài giọt nước lên bề mặt trước khi quay lại.
– Hâm nóng bằng lò nướng: Làm nóng lò trước ở 160 – 170°C, tiếp đó xếp bánh Roti lên khay nướng, có thể phết một ít bơ hoặc dầu ăn để bánh không bị khô. Nướng khoảng 3 – 5 phút, bạn nhớ kiểm tra thường xuyên để tránh bánh bị cứng.
Nhờ vào sự linh hoạt trong cách thưởng thức, bánh Roti Paratha không chỉ là món ăn truyền thống của Ấn Độ mà còn trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Mong rằng, với cách làm bánh Roti mà Hướng Nghiệp Á Âu chia sẻ, sẽ giúp bạn bổ sung thêm một món ăn hấp dẫn thực đơn của gia đình mình. Chúc bạn thực hiện thành công vào lần đầu tiên và có những phút giây thưởng thức món ăn thật ngon bên người thân yêu của mình.
Ý kiến của bạn