Quấn dây cho motor 3 pha là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động và tính ổn định của động cơ này. Nếu đang tìm hiểu cách quấn dây motor 3 pha để có thể tự làm tại nhà hoặc ứng dụng vào công việc, bạn hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Học Viện Kỹ Thuật Công Nghệ – Hướng Nghiệp Á Âu nhé.
Quấn dây motor 3 pha sao cho chuẩn, đúng kỹ thuật sẽ giúp động cơ hoạt động hiệu quả và ổn định (Ảnh: Internet)
Motor 3 pha là gì?
Motor 3 pha là một trong những loại motor điện phổ biến, được sử dụng để làm động cơ trong các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Motor điện 3 pha gồm 2 thành phần chính là stator (phần tĩnh) và rotor (phần động), hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ. Theo đó, khi cấp điện cho động cơ, stator sẽ tạo ra từ trường làm rotor xoay liên tục. Chuyển động xoay này được truyền ra ngoài thông qua trục máy để vận hành các loại máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền sản xuất.
Motor điện 3 pha được sử dụng trong nhiều thiết bị, máy móc của các ngành công nghiệp (Ảnh: Internet)
Cách quấn dây motor 3 pha
Để có thể quấn dây cho motor 3 pha một cách dễ dàng và thuận tiện, bạn hãy làm tuần tự theo các bước sau đây:
Bước 1: Làm khuôn quấn dây
Bạn hãy tính chu vi của khuôn quấn dây điện từ theo công thức sau:
Chu vi = 2.(KL.y + L’) (mm)
- KL: Hệ số được tính theo biểu thức
- y: Bước quấn được xác định dựa vào kiểu dây quấn (rãnh)
- L’: Chiều dài cạnh tác dụng của bối dây
Công thức tính hệ số KL:
KL = (πγ(Dt + hr)) ÷ Z
- Dt: Đường kính trong của rotor (mm)
- Z: Tổng số rãnh của stator (rãnh)
- hr: Chiều cao của răng rãnh stator
- γ: Hệ số được xác định theo số cực từ
Công thức tính chiều dài cạnh tác dụng của bối dây L’:
L’ = L + (6 ÷ 10)
L: Chiều dài lõi sắt stator (mm)
Sau khi đã tính xong chu vi, bạn hãy lắp đặt khuôn quấn dây điện từ theo đúng kích thước, sau đó lắp vào máy quấn dây là hoàn thành bước 1.
Tính toán chu vi và lắp đặt khuôn là bước đầu tiên trong quy trình quấn dây motor 3 pha
Bước 2: Chuẩn bị các miếng lót cách điện
Trước khi lồng dây, bạn cần chuẩn bị sẵn các miếng lót cách điện, bao gồm: Cách điện thân rãnh, cách điện miệng rãnh, nêm chèn cách điện và cách điện đầu bối dây. Trong đó:
- Các miếng cách điện thân và miệng rãnh được làm từ giấy cách điện có độ dày 0.2mm, có kích thước phù hợp với rãnh của stator.
- Nêm chèn cách điện được làm từ tre hoặc gỗ phíp.
- Miếng cách điện đầu bối dây được làm bằng giấy cách điện có độ dày 0.1mm và có kích thước, hình dáng, cách thức lót phụ thuộc vào kiểu dây quấn.
Bước 3: Quấn dây vào khuôn
Bạn luồn dây điện từ vào khuôn và tiến hành quấn dây. Trong quá trình quấn dây, bạn cần lưu ý 2 điều sau:
- Bạn không quấn chồng chéo dây điện từ mà hãy quấn cho các vòng dây song song và đều nhau.
- Nếu nối dây thì các mối nối phải được đặt ở đầu bối dây để thuận tiện cho việc kiến tra, sửa chữa. Mối nối cần được hàn chì cố định và cách điện bằng ống gen.
Luồn dây điện từ vào khuôn và quấn thành các bối dây (Ảnh: Internet)
Bước 4: Lồng dây vào rãnh
Trước khi lồng dây vào rãnh, bạn cần quan sát vỏ động cơ để đưa đầu dây về phía có chừa lỗ ra nhằm đấu vào hộp đấu dây động cơ.
Lồng các cạnh bối dây vào rãnh theo thứ tự, lần lượt gạt từng sợi dây để chúng nằm gọn trong miếng cách điện thân rãnh. Lưu ý: Bạn cần giữ cho đoạn dây thẳng, không được cong hoặc gấp khúc. Bạn cũng có thể sử dụng một que nhỏ, có đầu hơi nhọn để đẩy các sợi dây điện từ vào rãnh stator một cách thuận tiện.
Đặt miếng cách điện miệng rãnh vào mỗi ô rãnh đã lồng dây, chú ý thao tác cẩn thận, không để vòng dây nằm ngoài giấy cách điện. Tiếp đó bạn nắn 2 đầu của bối dây lại để tạo khoảng không rộng và tiếp tục lồng các bối dây tiếp theo vào động cơ.
Lót các miếng giấy cách điện vào rãnh, sau đó lồng các bối dây vào rồi đặt miếng cách điện miệng rãnh lên trên (Ảnh: Internet)
Bước 5: Lót giấy cách điện giữa các nhóm bối dây
Để phân lớp các nhóm bối dây giữa các pha và hạn chế sự tiếp xúc, phóng điện gây cháy động cơ, bạn cần cắt và lót giấy cách điện giữa các nhóm bối dây. Lưu ý: Bạn nên cắt lớp giấy cách điện với kích thước vừa phải, không nên cắt dư vì sẽ gây trở ngại cho việc đai dây cũng như thoát nhiệt.
Cắt và lót giấy cách điện vào giữa các nhóm bối dây (Ảnh: Internet)
Bước 6: Đấu nối dây
Bạn đấu liên kết các nhóm bối dây, tại chỗ nối liên kết phải được lồng ống gen cách điện. Sau đó bạn đưa các đầu dây ra ngoài, dùng dây điện mềm, có 2 màu riêng biệt để nối lại.
Lồng ống gen cách điện và đấu nối các đầu dây điện (Ảnh: Internet)
Bước 7: Đai dây
Bạn dùng một đoạn dây đai, tiến hành quấn các bối dây điện từ tại các vị trí giao nhau giữa hai nhóm bối sao cho gọn gàng, thẩm mỹ. Sau khi đai dây xong, bạn hãy uốn nắn lại các bối đây để có thể đưa rotor vào dễ dàng hơn, đặt các miếng nêm chèn cách điện vào các rãnh và sơn một lớp sơn cách điện để đảm bảo an toàn cho động cơ khi vận hành.
Đai cho các bối dây gọn gàng, thẩm mỹ và sơn một lớp sơn cách điện (Ảnh: Internet)
Bước 8: Kiểm tra sau khi gia công
Khi đã lồng xong các dây vào stator, bạn hãy dùng đồng hồ VOM để kiểm tra thông mạch của bộ dây quấn, sau đó dùng đồng hồ Megaohm để đo điện trở cách điện giữa các pha với nhau và giữa các pha với vỏ máy. Nếu các thông số đã đạt yêu cầu, bạn có thể tiến hành lắp rotor vào và chạy động cơ. Ngược lại nếu điện trở cách điện chưa đạt, bạn cần tăng cường cách điện và chèn thêm các thanh nêm tre vào rãnh để cố định phần dây quấn.
Kiểm tra sau khi gia công là bước cuối cùng trong quy trình quấn dây motor 3 pha (Ảnh: Internet)
Lưu ý an toàn khi quấn dây motor 3 pha
- Khi thực hiện quấn dây motor 3 pha, bạn cần đảm bảo nguồn điện đã được tắt hoàn toàn.
- Nên sử dụng các thiết bị như găng tay, kính bảo hộ, kìm, tua vít… để có thể thao tác dễ dàng và đảm bảo an toàn.
- Trong lúc chạy thử động cơ sau khi quấn, nếu nghe thấy có tiếng tia lửa điện hoặc tiếng nổ… bạn cần ngắt nguồn điện ngay lập tức để tránh xảy ra các sự cố.
- Bạn hãy làm việc trong môi trường thông thoáng, tránh xa nguồn nhiệt hoặc các loại hóa chất nguy hiểm.
Hy vọng với cách quấn dây motor 3 pha mà Học Viện Kỹ Thuật – Công Nghệ hướng dẫn trên đây, bạn sẽ nắm rõ và có thể quấn dây cho động cơ một cách nhanh chóng, đúng kỹ thuật. Hãy theo dõi website của Học Viện Kỹ Thuật – Công Nghệ để bổ sung thêm nhiều kiến thức, phương pháp sửa chữa các thiết bị điện khác bạn nhé!
Nếu muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực sửa chữa điện dân dụng và muốn lĩnh hội đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc hoặc sửa điện tại nhà, bạn hãy liên hệ số tổng đài 1800 255536 hoặc điền đầy đủ thông tin vào form bên dưới để được đội ngũ nhân viên của Hướng Nghiệp Á Âu liên hệ tư vấn khóa học phù hợp.
Ý kiến của bạn