Lộ Trình Thăng Tiến Ngành Quản Trị Nhà Hàng Khách Sạn

Lộ trình thăng tiến, phát triển ngành Quản trị nhà hàng khách sạn là một trong những vấn đề được bạn trẻ quan tâm khi chọn học ngành mang tính dịch vụ này. Để biết lộ trình và cơ hội thăng tiến của các vị trí như lễ tân, phục vụ bàn nhà hàng, nhân viên buồng phòng…, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé.

Lộ Trình Thăng Tiến Trong Ngành Khách Sạn

Lộ trình phát triển nghề lễ tân, hoặc lộ trình thăng tiến của FO (Front office – Tiền sảnh) có thể chia thành nhiều giai đoạn khác nhau như sau:

Lộ Trình Thăng Tiến Của Lễ Tân Khách Sạn

Lễ Tân

Lễ tân là vị trí khởi đầu thú vị cho bạn trẻ bắt đầu bước vào nghề khách sạn, bởi bạn sẽ học hỏi rất nhiều thông qua việc tiếp xúc hàng ngày với khách hàng, đồng nghiệp từ các bộ phận khác và xử lý hàng loạt tình huống phát sinh mỗi ngày. Công việc của lễ tân xoay quanh check in, check out cho khách, tư vấn về dịch vụ khách sạn, tiếp nhận cuộc gọi, dẫn khách tham quan phòng, thanh toán hóa đơn…

lộ trình thăng tiến của lễ tân khách sạn

Lộ trình thăng tiến ngành Khách sạn có thể bắt đầu từ vị trí lễ tân
(Nguồn ảnh: Erica Nha Trang Hotel)

Thu nhập khởi điểm của lễ tân khách sạn quy mô 4 – 5 sao tầm 7 – 8 triệu đồng/tháng (bao gồm lương cơ bản và các khoản khác như service charge, tiền tip, hoa hồng bán sản phẩm…) và mức này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vùng miền, chính sách lương và quy mô khách sạn, năng lực cá nhân, khả năng ngoại ngữ… Giỏi bán phòng và dịch vụ, cộng với ngoại ngữ xuất sắc thì thu nhập có thể vượt mốc 10 triệu.

Lộ trình thăng tiến của lễ tân khách sạn cũng được xem là lộ trình thăng tiến của FO, bao gồm các vị trí khác thuộc FO. Muốn phát triển sự nghiệp ở FO, không nhất thiết bạn phải bắt đầu ở vị trí lễ tân. Bạn có thể khởi đầu bằng vị trí nhân viên hành lý (bellman), tổng đài (operator), hỗ trợ khách hàng (concierge), đặt phòng (reservation)…, sau đó phát triển lên bậc cao hơn hoặc “lấn sân” sang lễ tân rồi từ từ thăng tiến lên vị trí cao hơn vẫn được.

lộ trình thăng tiến của FO

Lộ trình thăng tiến của FO có nhiều vị trí khác nhau để khởi đầu
(Nguồn ảnh: Seagull Hotel)

Giám Sát Lễ Tân

Khi đã thành thạo nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm việc nhất định, bạn sẽ thăng tiến lên vị trí cao hơn, điển hình là giám sát. Giám sát lễ tân chịu trách nhiệm giám sát công việc của các thành viên trong bộ phận, tổ chức và vận hành hoạt động bộ phận lễ tân, đón tiếp khách đoàn, khách VIP, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên mới và giải quyết các sự cố, yêu cầu, phàn nàn của khách hàng… Thu nhập của giám sát lễ tân sẽ từ 8 – 12 triệu/tháng, tùy theo mô tả công việc cụ thể (theo Hotel Careers).

Trưởng Bộ Phận Tiền Sảnh

Trưởng bộ phận tiền sảnh còn gọi là Front Office Manager (FOM). Đây là vị trí điều hành tất cả công việc thuộc Tiền sảnh khách sạn, bao gồm điều phối công việc bộ phận lễ tân, đón tiếp khách VIP, khách đoàn, khách trung thành, khách dài hạn, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, đưa ra định hướng phát triển cho bộ phận… Ngoài ra, còn có vị trí trợ lý trưởng bộ phận tiền sảnh mà hầu hết khách sạn 3 sao trở lên đều tuyển. Từ trưởng bộ phận tiền sảnh, bạn sẽ thăng tiến lên vị trí cao hơn là phó tổng giám đốc và tổng giám đốc khách sạn.

cơ hội thăng tiến của lễ tân

Tổng giám đốc khách sạn là nấc thang đáng mơ ước trong lộ trình thăng tiến
đi từ lễ tân (Nguồn ảnh: Marina Bay Vung Tau Resort & Spa)

Lộ Trình Thăng Tiến Trong Nhà Hàng

Nhân Viên Phục Vụ Bàn

Phục vụ bàn (hay còn gọi là bồi bàn) là vị trí khởi điểm quen thuộc của bạn trẻ khi bắt đầu lộ trình nghề F&B. Phục vụ bàn phụ trách set up bàn tiệc, bưng bê và phục vụ món ăn, thức uống, thanh toán hóa đơn… cho thực khách tại nhà hàng, trung tâm tiệc cưới…

Vị trí phục vụ bàn trong nhà hàng cao cấp đòi hỏi nghiệp vụ phục vụ bàn chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp ngoại ngữ nếu phục vụ khách nước ngoài. Thu nhập cho vị trí phục vụ bàn trong khách sạn 4 – 5 sao là 7 – 9 triệu/tháng (phụ thuộc nhiều yếu tố). Trong đó, ngoài lương cứng thì các khoản còn lại gồm service charge, tip…

lộ trình thăng tiến trong nhà hàng

Lộ trình thăng tiến trong nhà hàng thường bắt đầu với công việc phục vụ bàn
(Nguồn ảnh: Rex Hotel Saigon)

Giám Sát Nhà Hàng

Nấc thang kế tiếp của lộ trình thăng tiến trong nhà hàng là cấp quản lý. Nếu có năng lực và kinh nghiệm, bạn sẽ được chọn làm trưởng ca, sau đó phát triển lên thành giám sát nhà hàng. Công việc của giám sát nhà hàng xoay quanh giám sát chuỗi dịch vụ cung ứng cho khách, phân chia công việc cho nhân viên, xử lý yêu cầu từ khách, giải quyết vấn đề phát sinh…

Theo jobsgo.vn, mức lương phổ biến cho vị trí giám sát nhà hàng là 7 – 10 triệu đồng. So với các nhà hàng khác thì những nhà hàng cao cấp sẽ có xu hướng trả lương cao hơn cho giám sát nhà hàng.

Quản Lý Nhà Hàng

Quản lý nhà hàng là nấc thang cao hơn trong lộ trình thăng tiến nghề phục vụ bàn. Công việc quản lý nhà hàng xoay quanh xây dựng hệ thống quản lý nhà hàng, điều phối hoạt động kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý nhân sự…

cơ hội thăng tiến phục vụ bàn

Cơ hội thăng tiến lên cấp quản lý và tăng thu nhập sẽ vô cùng hấp dẫn nếu bạn chọn vị trí khởi đầu là phục vụ nhà hàng (Nguồn ảnh: Indochine Palace)

Với nhà hàng độc lập, quản lý nhà hàng được xem như giám đốc nhà hàng, quản lý luôn khu vực bếp. Tùy thuộc vào quy mô nhà hàng mà mức lương dao động từ 15 – 45 triệu đồng/tháng. Nếu nhà hàng nằm trong khách sạn, quản lý nhà hàng sẽ không chịu trách nhiệm quản lý khu vực bếp với mức lương hàng tháng sẽ là 15 – 20 triệu đồng.

Cao hơn trên lộ trình thăng tiến trong nhà hàng sẽ là quản lý bộ phận ẩm thực (F&B Manager) và giám đốc khối dịch vụ ẩm thực (Director of F&B).

Lộ Trình Thăng Tiến Của Nhân Viên Buồng Phòng

Nhân Viên Dọn Phòng

Nhân viên dọn phòng là vị trí cơ bản thuộc khối Buồng phòng (Housekeeping), chịu trách nhiệm làm vệ sinh phòng ngủ cho khách, kiểm tra phòng khách check out, xử lý đồ thất lạc, giải quyết vấn đề phát sinh…

lộ trình thăng tiến nhân viên buồng phòng khách sạn

Lộ trình thăng tiến của nhân viên buồng phòng sẽ trải qua nhiều vị trí
(Nguồn ảnh: White Lotus Hue Hotel)

Thu nhập nhân viên buồng phòng dao động tùy theo quy mô khách sạn, kinh nghiệm, kỹ năng…, thường từ 5 – 8 triệu đồng/tháng. Ngoài nhân viên dọn phòng, bạn có thể bắt đầu sự nghiệp ở bộ phận này bằng vị trí nhân viên giặt là, nhân viên vệ sinh công cộng…

Giám Sát Tầng, Giám Sát Buồng Phòng

Giám sát tầng thường chỉ phổ biến ở khách sạn 4 – 5 sao, còn ở khách sạn quy mô nhỏ hơn thì có giám sát buồng phòng, không cần thêm giám sát tầng. Đây là vị trí quản lý cấp trung, chịu sự quản lý của trưởng bộ phận buồng phòng.

Giám sát tầng sẽ thực hiện các nhiệm vụ có thể bằng hoặc ít hơn một giám sát buồng phòng, bao gồm giám sát các tầng (phòng) được giao, phân chia công việc cho nhân viên, kiểm soát chất lượng các phòng… Mức lương giám sát tầng là 6 – 10 triệu/tháng, mức lương giám sát buồng phòng là 8 – 12 triệu/tháng.

cơ hội thăng tiến của nhân viên housekeeping

Cơ hội thăng tiến của nhân viên buồng phòng bao gồm giám sát, trưởng bộ phận…
(Nguồn ảnh: Pao’s Sapa Leisure Hotel)

Trưởng Bộ Phận Buồng Phòng

Đây là vị trí đáng mơ ước trong lộ trình thăng tiến của nhân viên buồng phòng. Mức lương cho vị trí này theo Hotel Careers sẽ dao động từ 15 – hơn 30 triệu/tháng và có thể tiếp tục phát triển cao hơn thành tổng giám đốc khách sạn.

Cơ Hội Thăng Tiến Ngành Khách Sạn

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Quản trị khách sạn, từng đảm nhận các vị trí như trưởng ca, giám sát và quản lý tại các thương hiệu nổi tiếng như New World, InterContinental và Renaissance, ông Lê Đình Vũ – hiện là giảng viên tại Hướng Nghiệp Á Âu, đã có những chia sẻ thực tế về cơ hội thăng tiến ngành Khách sạn.

Theo ông, trong ngành Quản trị khách sạn, thăng tiến phụ thuộc vào “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Quan trọng là bạn tích lũy được cho mình kiến thức và kinh nghiệm gì (hiểu quy trình, quy chuẩn, nội quy, biết cách đối nhân xử thế, đem lại giá trị cho đồng đội, kết nối mọi người…).

cơ hội thăng tiến ngành khách sạn

Cơ hội thăng tiến ngành Khách sạn dành cho những ai thạo nghiệp vụ, biết kết nối và tạo ra giá trị
cho tập thể… (Nguồn ảnh: Muong Thanh Grand Nha Trang Hotel)

Thông thường, một nhân sự trải qua tầm 3 – 5 năm để thăng tiến lên giám sát, còn để lên quản lý sẽ mất thêm 2 – 3 năm. Như vậy, thời gian từ nhân viên lên giám sát có thể dài hơn thời gian từ giám sát lên quản lý, chứng tỏ nền tảng kiến thức và kỹ năng ở cấp nhân viên phải rất vững chắc nếu muốn thăng tiến.

Ông cũng cho biết, không ít trường hợp làm 5 – 7 năm trong nghề nhưng vẫn ở mãi vị trí nhân viên. Nguyên nhân là do những nhân sự này chỉ giỏi về nghiệp vụ, chứ chưa biết cách đối nhân xử thế, tạo ra giá trị phát triển và kết nối mọi người trong nhóm.

thăng tiến trong ngành quản lý khách sạn

Muốn thăng tiến trong ngành Khách sạn, bạn không thể chỉ giỏi nghiệp vụ
(Nguồn ảnh: Azerai La Residence Hue)

Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nên vô cùng quan trọng trong môi trường đòi hỏi giao tiếp thường xuyên với khách quốc tế, cộng với việc các cơ sở xếp hạng khi thẩm định xếp hạng sao cho khách sạn, họ sẽ đòi hỏi tỷ lệ % nhân viên có bằng cấp về ngoại ngữ. Do đó, khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt cũng giúp cơ hội thăng tiến ngành Khách sạn của bạn rộng mở hơn.

Ngoài ra, không nên tự ti hay nản chí khi phải làm những công việc “tay chân” khi mới ra trường, bởi lộ trình thăng tiến ngành Khách sạn luôn bắt đầu ở vị trí cấp thấp là nhân viên. Bạn có biết ông Nguyễn Quốc Hoàn (Tổng giám đốc khách sạn The Ann Hanoi) có xuất phát điểm là phục vụ bàn, ông Bùi Xuân Phong (Tổng giám đốc công ty cổ phần Sam Tuyền Lâm) bước vào nghề bằng công việc xách hành lý cho khách, hoặc ông Philip Beriman (Tổng giám đốc InterContinental Nha Trang) từng vất vả ở vị trí nhân viên rửa bát?

nguyen-quoc-hoan-phat-trien-nganh-khach-san

Ông Nguyễn Quốc Hoàn (Nguồn ảnh: Vietnam Finance)

Trên đây là lộ trình thăng tiến ngành Khách sạn. Hy vọng lộ trình phát triển nghề nghiệp trong nghề khách sạn này đã phác họa cho bạn cái nhìn toàn diện hơn về hướng đi của mình trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, muốn có hành trang tốt nhất khi vào nghề, bạn cần tìm cho mình một nơi để đào tạo và trau dồi kiến thức, kỹ năng… Tham khảo ngay bài viết về chủ đề học Quản lý nhà hàng khách sạn ở đâu tốt để biết nên chọn trường nào nhé.

Điểm: 4.8 (33 bình chọn)

Tác giả: Giao Dương Huỳnh

Với hơn 6 năm kinh nghiệm đảm nhận vị trí quản lý tại các Nhà hàng Khách sạn lớn ở Sài Gòn và nguồn kiến thức chuyên ngành vượt trội. Huỳnh Giao đang là cộng tác viên biên tập nội dung tại Hướng Nghiệp Á Âu, Các bài viết chia sẻ về kỹ năng nghiệp vụ của Huỳnh Giao được nhiều bạn trẻ đón nhận.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn