Cấu trúc Nabla là gì? Sử dụng thế nào để thiết kế website hiệu quả?

Khi làm SEO, có một nền tảng cực kỳ quan trọng đó là chúng ta cần xây dựng được một cấu trúc website phù hợp và tối ưu. Có lẽ các bạn đều đã biết qua nhiều về “Silo”, còn trong bài viết hôm nay, Khóa học SEO Á Âu sẽ giới thiệu với bạn thêm một kiểu cấu trúc website nữa đó là Nabla để bạn có thể lựa chọn một phương án phù hợp nhất với mục tiêu của mình. Vậy cấu trúc Nabla là gì, những đặc điểm khác biệt của nó so với Silo và ứng dụng ra sao, hãy cùng Đào tạo SEO Á Âu tìm hiểu trong bài viết này nhé!

nabla-featured-image

Giới thiệu về khái niệm cấu trúc thông tin trong hoạt động SEO

Trước khi tìm hiểu sâu hơn, hãy cùng làm rõ một số luận điểm sau:

  • Máy tìm kiếm = Hoạt động lập chỉ mục và truy xuất các thông tin.

Vậy…

  • Cấu trúc thông tin = Cốt lõi của hoạt động SEO.

Theo định nghĩa từ trang Usability.gov thì:

Information architecture (hay IA, tạm dịch: cấu trúc thông tin) tập trung vào việc tổ chức, cấu trúc, và phân loại nội dung sao cho hiệu quả và bền vững. Mục tiêu của IA là để giúp người dùng tìm thấy được thông tin mình cần và hoàn tất các tác vụ của họ.”

Nếu người dùng cảm thấy khó khăn trong việc hoàn thành hành động mà họ mong muốn, thì các doanh nghiệp không thể thu thập được thông tin liên hệ của khách hàng đó, có thể mất đi doanh số và cả mức độ tín nhiệm dành cho thương hiệu.

Taxonomy là gì?

Taxonomy là thuật ngữ được dùng để mô tả một hệ thống dùng để định danh (labeling) và tổ chức phân loại các đối tượng chủ thể, các sự vật hoặc khái niệm vào cùng một nhóm có chung các đặc điểm tương đồng nào đó. Có nhiều loại taxonomy khác nhau, một trong số những loại đó chính là hệ thống phân loại theo cấp bậc (hierarchical taxonomy).

Cách tổ chức phân loại này tuân thủ theo cấu trúc cha/con.

Cấu trúc phân cấp

Đây là một kiểu tổ chức IA phổ biến. Đa số toàn bộ các website thành công đều xây dựng theo một cấu trúc phân cấp có dạng như sau:

Danh mục cha > Danh mục con

cau-truc-phan-cap-hierarchy

(Nguồn: Internet)

Về bản chất, thì hệ thống phân cấp này có sự phân chia rõ ràng và dễ hiểu đối với người dùng, và do đó, những người làm SEO như chúng ta đã xây dựng các website, phát triển các trình thu thập dữ liệu cùng nhiều sản phẩm khác dựa trên cấu trúc này.

Cấu trúc Silo

Cấu trúc phân cấp được nhiều người biết đến nhất trong lĩnh vực SEO chính là Cấu trúc Silo. Trước khi tìm hiểu sâu hơn, hãy cùng làm rõ lại một số định nghĩa.

Không giống như những gì bạn có thể đã đọc được qua các bài viết về cấu trúc website, hai khái niệm “silo” và “category” không đồng nghĩa với nhau. Trong lĩnh vực IA và các ngành khoa học thông tin thì chúng có ý nghĩa khác nhau.

Theo định nghĩa từ từ điển Merriam-Webster, thì một “category” (danh mục) là “một bộ phận được phân chia trong một hệ thống phân loại”. Các thành phần bên trong một danh mục phải có những đặc điểm chung cụ thể.

Ngược lại, trên một website, thì một silo là một tập hợp lưu trữ các nội dung mà chỉ có thể được tiếp cận từ một danh mục cụ thể. Các nội dung trong silo được tách biệt, hoặc phần lớn là tách biệt khỏi những nội dung khác có trên website.

Các danh mục trên website có thể trở thành các silo, như trong biểu đồ minh họa dưới đây:

cau-truc-silo

(Nguồn: Internet)

Tóm lại, một danh mục không phải là một SILO. Tuy nhiên, các nội dung bên trong một danh mục có thể được cấu trúc thành một silo.

Thực tế thì, cấu trúc SILO là một hệ thống phân cấp hiệu quả, bởi vì nó giúp cho các máy tìm kiếm hình thành nên các mối liên kết về sự liên quan (relevance).

Nhưng qua hàng tá lần cập thật thuật toán cốt lõi, cùng với hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần thay đổi nhỏ khác trong hệ thống thuật toán… thì Google có thể không cần đến một cấu trúc website hoàn toàn chặt chẽ mới có thể xác định mức độ liên quan nữa. Do vậy, không phải lúc nào Silo cũng là cấu trúc tốt nhất, đặc biệt là với nhiều loại website với các quy mô khác nhau.

Cấu trúc phân cấp vẫn hiệu quả hơn so với các loại cấu trúc khác trong lĩnh vực tìm kiếm. Nhưng với sự thay đổi trong bối cảnh của hệ thống tìm kiếm hiện nay cùng với khả năng hiểu được sự liên quan thông qua nội dung chúng ta trình bày ngày càng hoàn thiện đã làm cho Silo không phải là cấu trúc duy nhất mang lại hiệu quả.

Tóm lại, có một số quan điểm cần làm rõ sau đây:

  • Cấu trúc website rất quan trọng
  • Hệ thống phân cấp là cách thức phân loại và tổ chức nội dung hiệu quả nhất (đối với phần lớn các website)
  • Có nhiều cách khác nhau để xây dựng được cấu trúc phân cấp (Hierarchical Structure)

Cấu trúc Nabla ∇

Hệ thống phân cấp thông tin (Information Hierarchy) là chủ đề được nghiên cứu ở các trường cao đẳng và đại học trên toàn thế giới, bởi các sinh viên thuộc nhiều ngành khác nhau.

minh-hoa-mo-hinh-tam-giac-nguoc-nabla

Một minh họa về mô hình kim tự tháp ngược Nabla (Theo The Confident Teacher)

Trong các trường đào tạo về báo chí, các sinh viên được hướng dẫn cấu trúc thông tin của họ theo một trật tự sao cho các thông tin quan trong hoặc có liên quan nhất sẽ được đặt ở nơi dễ tiếp cận nhất.

Khi đề cập đến loại hình hệ thống phân cấp thông tin này, họ phát hiện rằng cấu trúc “kim tự tháp ngược” (Nabla) sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

  • Ở mức độ vĩ mô – đó có thể là cấu trúc website.
  • Ở mức độ vi mô – đó có thể là các bài viết…

Đối với website thì, phần lớn những người làm SEO đều đang làm ngược lại (áp dụng cấu trúc Silo).

Silo có thể hiệu quả đối với việc xếp hạng tại một thời điểm nào đó, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc liệu nó có thực sự hiệu quả đối với các nội dung trên website không.

Khoảng thời gian để thu hút sự chú ý của người dùng (attention-spans) đang giảm xuống, tầm quan trọng của các chỉ số liên quan đến tương tác của người dùng (user-engagement) ngày càng tăng lên.

Và khi đề cập đến hoạt động tìm kiếm, có vẻ như các vấn đề liên quan đến việc thu thập dữ liệu (crawl issue) đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, phần lớn trong số đó đặt vấn đề ngược lại về cách mà website của bạn được xây dựng và cũng như những mặt hạn chế của cấu trúc Silo.

 So sánh Silo và Nabla

silo-vs-nabla

Thông thường, phần lớn những người làm SEO đều xây dựng website theo cấu trúc Silo: trang chủ chỉ liên kết đến các danh mục (category), các danh mục lại liên kết đến các danh mục con (sub-category), và các danh mục con lại liên kết đến các trang (page), sau đó các trang sẽ liên kết với các bài viết bổ trợ (supporting post) và cuối cùng là các bài viết mới.

Còn đối với cấu trúc Nabla, trang chủ sẽ liên kết đến nhiều trang nhất có thể để người dùng chỉ cần thực hiện một cú nhấp chuột đã có thể tiếp cận đến phần lớn nội dung của website. Sau đó mỗi trang trong số này sẽ liên kết với phần còn lại của website để mỗi địa chỉ URL chỉ “cách” tối đa trang chủ là 2 lượt nhấp chuột.

flat-site-vs-deep-site

(Nguồn: Internet)

Để so sánh về hai cấu trúc Silo và Nabla, bạn có thể hình dung về hai cách xây dựng website phổ biến, chính là: Flat Site Architecture (cấu trúc rộng) và Deep Site Architecture (cấu trúc sâu).

Cấu trúc rộng

Chỉ bao gồm một vài tầng theo chiều dọc. Như hình minh họa ở trên thì bạn có thể thấy cấu trúc này dựa vào phân cấp theo chiều ngang nhiều hơn. Phần lớn các trang đều có thể được tiếp cận chỉ thông qua một vài lượt nhấp chuột từ trang gốc (root page, trong trường hợp này là trang chủ); điều này sẽ giúp mang lại một trải nghiệm người dùng tốt hơn và hỗ trợ cho việc thu thập dữ liệu của hệ thống khi bọ quét không phải đi qua quá nhiều tầng.

  • Ưu điểm: Với loại cấu trúc này, người dùng sẽ không cần thực hiện nhiều hành động để tìm đến được một trang cụ thể nào đó, các trang có thể được định vị và lập chỉ mục nhanh hơn.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, điều này sẽ không hiệu quả trong trường hợp website có nhiều trang cấp 1. Việc có quá nhiều liên kết trên một trang sẽ không tốt cho SEO, dù cho những link này có thể được thu thập dữ liệu dễ dàng hơn.

Cấu trúc sâu

Cấu trúc này hoàn toàn ngược lại với cấu trúc rộng ở trên. Người dùng sẽ phải thực hiện nhiều lượt nhấp để được dẫn đến các trang nội dung hoặc sản phẩm nằm ở những tầng sâu nhất. Có nhiều danh mục con được tạo ra để kết nối những trang lại với nhau.

  • Ưu điểm: Các website xây dựng theo cấu trúc này thường có tính cụ thể hơn, tạo được độ liên quan theo cụm chủ đề (topical relevance), nhận được nhiều lượng truy cập đúng mục tiêu hơn (targeted traffic) đến các trang riêng lẻ nằm trong các danh mục và điều này sẽ hỗ trợ cho việc tối ưu hóa hiệu quả.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, một vấn đề thường xảy ra đối với cấu trúc sâu (hay silo) chính là nếu được phân cấp quá cụ thể thì các nội dung nằm ở tầng sâu bên dưới có thể bị “cô lập” khỏi phần còn lại của website và không dễ dàng được tiếp cận đến.

Cả hai loại cấu trúc đều có các ưu điểm và nhược điểm riêng, và có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến hoạt động SEO. Để biết được đâu là cấu trúc phù hợp với mình nhất, bạn cần nhìn vào:

  • Loại hình website;
  • Số lượng trang có trên website;
  • Cách phân loại danh mục cho các trang này.

Cấu trúc nội dung theo chiều dọc đặc biệt hữu ích đối với những website có nhiều trang (nội dung hoặc sản phẩm) hoặc thông tin có thể được phân loại thành các danh mục chính và danh mục phụ để dễ dàng định vị; còn cấu trúc theo chiều ngang sẽ phù hợp đối với các website có quy mô nhỏ hơn, với ít danh mục và sản phẩm hơn hoặc không có sản phẩm.

Quay trở lại vấn đề, một ưu điểm mà chúng ta đều nhìn thấy được ở cấu trúc Nabla đó là: những nội dung và cấu trúc website có khả năng cung cấp những thông tin có liên quan nhất tại những vị trí dễ tiếp cận nhất đều sẽ hoạt động hiệu quả đối với khả năng thu thập dữ liệu của máy tìm kiếm.

Những nền tảng của cấu trúc Nabla

Cấu trúc rộng và nông

Bạn nên xây dựng một cấu trúc “nông” (ít tầng) hơn là một cấu trúc sâu (có nhiều tầng). Để đạt được mục tiêu này thì việc có nhiều danh mục hơn (ít đi các danh mục con) sẽ hiệu quả hơn là chỉ có một vài danh mục với nhiều danh mục con trong đó.

Đưa các trang/bài viết vào bên dưới danh mục cụ thể

Việc quan trọng trước tiên là hãy tạo ra các danh mục phù hợp, sau đó đưa nội dung vào trong những danh mục tương ứng. Hãy phân loại các nội dung một cách rõ ràng và có liên quan về mặt ngữ nghĩa nhất có thể.

Ngoài ra, luôn đảm bảo là bạn tạo ra những danh mục chính xác và độc lập, không mâu thuẫn với nhau. Hãy tạo ra một danh mục mới thay vì đưa nội dung đó vào sai danh mục.

Lưu ý: Bạn có thể tạo ra nhiều danh mục khác nhau, nhưng nên hạn chế điều này. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định đúng được danh mục chính nếu muốn tạo nhiều danh mục.

Đặt những thông tin quan trọng nhất ở những nơi dễ tiếp cận nhất

Còn được biết đến với tên gọi BLUF (Bottom Line Up Front) hay TL;DR (Too Long; Didn’t Read), đây là một xu hướng trình bày nhấn mạnh vào những thông tin quan trọng nhất bằng cách đặt chúng vào những nơi dễ tiếp cận nhất.

Trong cấu trúc tổng thể của website, thì bạn có thể thiết lập các luồng điều hướng, chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các thanh menu dạng dropdown để làm cho người dùng có thể dễ dàng tiếp cận đến những trang quan trọng.

Cách thiết lập cấu trúc Nabla

Cốt lõi của cấu trúc Nabla chỉ có một quy tắc duy nhất: làm cho thông tin của bạn dễ dàng truy cập được nhất có thể.

Điều hướng (Navigation)

Đây là một trong những lý do làm cho cấu trúc này rất hiệu quả đối với nhiều website, vì phần lớn địa chỉ URL chỉ cách trang chủ 1 hoặc 2 lượt nhấp chuột (trong một số website lớn hơn thì 3 lượt click vẫn có thể chấp nhận được).

Bạn có thể sử dụng các công cụ audit, chẳng hạn như SiteBulb để kiểm tra vấn đề này.

kiem-tra-crawl-depth-bang-sitebulb

Kiểm tra Crawl Depth của Website bằng công cụ SiteBulb

Về cơ bản, cấu trúc Nabla xoay quanh 3 tầng chính: CD0, CD1 và CD2 (CD là viết tắt của “Click Depth” hoặc “Crawl Depth”, chỉ số lượt click người dùng cần thực hiện để đến được một nội dung cụ thể).

  • CD0 – là trang chủ;
  • CD1 – có thể truy cập được trực tiếp từ trang chủ và bất kỳ trang nào trên website;
  • CD2 – có thể truy cập trực tiếp từ những trang ở CD1.

Áp dụng theo cấu trúc Nabla, bạn cần đặt nhiều địa chỉ URL của mình tại tầng CD1 và CD2 nhất có thể. Điều này đồng thời sẽ làm giảm đi quy mô của Crawl Depth.

Tuy không quá phức tạp nhưng có nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về cấu trúc này.

Mọi người thường lầm tưởng rằng họ có thể đặt một trang vào tầng CD1 bằng cách trỏ một liên kết đến nó từ trang chủ. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Bạn cần phải làm cho trang đó có khả năng được truy cập từ mọi trang trên website của bạn, chỉ bằng một lượt nhấp chuột. Đây là lý do tại sao thanh menu chính (main menu), menu phụ (sub-menu) và menu ở chân trang (footer menu) lại rất quan trọng. Do đó, bạn cần nắm được bản chất của khái niệm Crawl Depth để có thể tối ưu hóa cho nó đúng cách.

Một điều thú vị nữa về cấu trúc Nabla chính là bạn có thể sử dụng bất kỳ chiến lược liên kết nội bộ nào nếu muốn, miễn là bạn vẫn giữ cho các trang được cấu trúc theo chiều ngang (khác với Silo, bạn phải liên kết nội bộ từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới trong cùng một danh mục).

Phân trang (Pagination)

Nếu các danh mục hoặc các “trang cha” (parent pages) có chứa khoảng 100 bài viết, bạn sẽ có khoảng 10×10 trang (mỗi trang có 10 bài) hoặc 5×20 trang (mỗi trang có 20 bài).

Mỗi trang như vậy sẽ làm cho độ “sâu” của website ngày càng lớn, và điều này sẽ không tốt dưới cách tiếp cận theo cấu trúc Nabla.

Lúc này, bạn sẽ có 2 phương án:

1) Tăng số lượng (#) các nút con (“child nodes*”) hiển thị trên trang.

2) Tạo ra nhiều danh mục hơn và tái cấu trúc lại những bài viết/sản phẩm hiện có vào những khu vực có liên quan hơn.

*Theo định nghĩa từ Wikipedia, thì khái niệm “node” (trong ngành khoa học máy tính) được định nghĩa như sau: “Một node (tạm dịch: nút) là một đơn vị cơ bản của một cấu trúc dữ liệu, chẳng hạn như trong một danh sách được liên kết (linked list) hay cấu trúc dữ liệu hình cây (tree data structure). Các node chứa các dữ liệu và có thể liên kết đến các node khác. Các liên kết giữa các node thường được thiết lập bằng đối tượng con trỏ (pointer) trong ngôn ngữ lập trình.”

Phân loại danh mục (Categorization)

Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng cấu trúc Nabla chỉ liên quan đến vấn đề Crawl Depth. Nhưng việc phân loại danh mục chính là yếu tố giúp cho hệ thống phân cấp trở nên hiệu quả.

Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau có thể giúp bạn phân loại các nội dung của mình một cách đúng đắn, nhưng cách dễ dàng nhất luôn là sử dụng chính sự hiểu biết của mình cùng với một số nghiên cứu về lĩnh vực đó.

Tổng kết

Như đã đề cập đến ở trên, mỗi loại cấu trúc, dù theo chiều rộng hay chiều sâu, cấu trúc Silo hay Nabla, đều có những điểm mạnh và hạn chế riêng. Không có khái niệm “cấu trúc hoàn hảo”, mà chỉ có khái niệm “cấu trúc phù hợp” đối với từng website cụ thể.

Đứng trên quan điểm của cấu trúc Nabla, thì cấu trúc này hiệu quả vì nó mang đến một trải nghiệm người dùng tốt hơn và giúp cho việc thu thập dữ liệu trên website dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nếu áp dụng cấu trúc Silo, bạn sẽ phải luôn xây dựng liên kết nội bộ theo kiểu Silo (từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, không xây dựng liên kết chéo giữa các danh mục vì nó sẽ làm loãng đi mức độ tập trung vào chủ đề). Còn đối với cấu trúc Nabla, miễn là bạn vẫn tuân thủ theo cấu trúc “rộng và nông”, bạn có thể sáng tạo với việc xây dựng các liên kết nội bộ của mình.

Bạn vẫn có thể áp dụng các quy tắc giống như trong cấu trúc SILO, nhưng chỉ dành cho các liên kết phù hợp với ngữ cảnh (contextual link) không dùng để điều hướng (non-navigation). Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cách thiết lập liên kết mạng giống với mô hình “Network Taxonomy” (tạm dịch: hệ thống phân loại theo mô hình mạng lưới) đang được Wikipedia áp dụng.

network-taxonomy

Minh họa về mô hình liên kết mạng

wikipedia-page-co-nhieu-internal-link-tro-den-cac-trang-khac-nhau

Mỗi trang trên Wikipedia đều chứa nhiều liên kết nội bộ đến các nội dung khác nhau

Mô hình liên kết mạng này làm cho mối quan hệ giữa các thành phần trong mạng lưới trở nên có ý nghĩa hơn đối với người dùng. Bạn có thể bắt đầu xây dựng cấu trúc phân cấp và dần thiết lập các điều hướng cục bộ (local navigation) và trên tổng thể website (global navigation). Các nội dung sẽ được kết nối với nhau theo một cách có ý nghĩa hơn (cho người dùng) thông qua điều hướng theo ngữ cảnh (contextual navigation).

Một số ví dụ về điều hướng theo ngữ cảnh bao gồm:

  • Các bài viết phổ biến nhất (Most popular);
  • Các bài viết được xem nhiều nhất (Most viewed);
  • Các bài viết gần đấy (Most recent, áp dụng đối với một số loại website cụ thể);
  • Các nội dung tương tự khác (Alternatives);
  • Các nội dung dùng để bán thêm sản phẩm (Upsells);
  • Các bài viết nên đọc (Recommended reading)…

Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi đưa ra quá nhiều điều hướng trong một web page. Việc này có thể làm cho người dùng cảm thấy bị quá tải và không hỗ trợ trong việc thúc đẩy người dùng hoàn thành hành động mong muốn.

Ngoài ra, bạn cũng phải lưu ý rằng hai khái niệm “Taxonomy” và “Navigation” là khác nhau. Nếu bạn định sử dụng mô hình liên kết mạng theo kiểu “Network Taxonomy” ở trên cho website, hãy phối hợp cùng với một chuyên gia trong lĩnh vực IA để đảm bảo tính thân thiện với người dùng cho các điều hướng mà bạn xây dựng.

Tổng kết lại thì, cấu trúc Nabla cho bạn nhiều sự tự do và kiểm soát hơn với website của mình và bạn có thể linh hoạt áp dụng cấu trúc này cho những tầng phía trên của website để đưa những thông tin quan trọng nhất xuất hiện tại những nơi mà người dùng có thể dễ dàng truy cập nhất.

Điểm: 4.8 (39 bình chọn)

Tác giả: Lâm Vĩ

Tôi là một Marketer, hiện đang công tác tại Hướng Nghiệp Á Âu với vai trò nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các giải pháp tiếp thị hiệu quả trong thế giới Digital Marketing.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn