Cách Trả Lời Phỏng Vấn Xin Việc Spa: Gợi Ý Từ Chuyên Gia

Phỏng vấn kỹ thuật viên spa là một trong những khía cạnh mà bạn trẻ cần đặc biệt quan tâm khi muốn ứng tuyển vị trí này. Với mỗi câu hỏi được đặt ra, nhà tuyển dụng vốn có “tiêu chí ngầm” để đánh giá câu trả lời từ ứng viên. Trong bài viết sau, Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ gợi ý cho bạn một số kinh nghiệm khi trả lời phỏng vấn spa sao cho ghi điểm 100% trong mắt nhà tuyển dụng ngay từ vòng đầu tiên.

Những câu hỏi thường gặp trong spa khi phỏng vấn

Khi phỏng vấn kỹ thuật viên spa, nhà tuyển dụng sẽ thường đặt ra một số câu hỏi sau:

  • Giới thiệu sơ lược về bản thân
  • Vì sao bạn biết đến spa này?
  • Vì sao bạn chọn spa này để ứng tuyển?
  • Điều gì ở spa này khiến bạn cảm thấy ấn tượng?
  • Vì sao bạn ứng tuyển vào vị trí này? Bạn nghĩ mình có tố chất gì phù hợp?
  • Chuyên môn, thế mạnh của bạn là gì?
  • Mục tiêu phát triển trong tương lai của bạn là gì?
  • Bạn mong muốn mức lương, thu nhập bao nhiêu?
  • Lý do bạn nghỉ việc ở chỗ làm cũ
  • Bạn nhận xét gì về sếp và đồng nghiệp cũ?

những câu hỏi thường gặp trong spa

Các câu hỏi phỏng vấn khi xin việc ở spa thường xoay quanh bản thân ứng viên
và spa đó (Nguồn ảnh: Dusit Princess Moonrise Beach Resort)

Gợi ý cách trả lời phỏng vấn khi xin việc spa

Sau đây là một số lời khuyên chi tiết về cách trả lời phỏng vấn tại spa khi ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật viên, do Cô Bùi Thị Thắm, hiện đang là chủ kinh doanh spa và giảng viên các khóa học spa tại Hướng Nghiệp Á Âu gợi ý. Cụ thể như sau:

Giới thiệu bản thân

Ứng viên nên trình bày ngắn gọn và trung thực về ưu, nhược điểm của mình. Không nên phóng đại thông tin về năng lực bản thân. Về khuyết điểm, chỉ nên nêu khoảng 1 – 2 kỹ năng, đặc điểm tính cách vẫn chưa hoàn thiện.

Bạn biết gì về spa này và tại sao bạn chọn ứng tuyển vào đây, ở vị trí này?

Khi ứng tuyển vào một spa, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị đó (thông qua Internet, đến tận nơi để trải nghiệm dịch vụ để có cảm nhận chính xác nhất…). Bước này cho thấy bạn có sự đầu tư nghiêm túc vào cơ hội ứng tuyển lần này, từ đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao bạn hơn.

Còn khi trả lời nhà tuyển dụng, hãy trình bày những gì bạn đã tìm hiểu. Cụ thể, spa thành lập được bao lâu, có bao nhiêu chi nhánh, bạn ứng tuyển vào vì cảm thấy spa đang phát triển rất mạnh về những dịch vụ, sản phẩm cụ thể và bạn cũng đang có lợi thế tay nghề về mảng đó…

cách trả lời phỏng vấn khi xin việc spa

Cần tìm hiểu kỹ các loại hình dịch vụ, sản phẩm của spa mà bạn ứng tuyển
(Nguồn ảnh: New Orient Hotel Da Nang)

Chuyên môn của bạn là gì? Bạn thành thạo các mảng nào?

Với câu hỏi này, hãy tận dụng cơ hội trình bày mọi thế mạnh, kỹ năng, kiến thức mà bạn có và chúng phải phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển (ví dụ thế mạnh của bạn là massage body, tắm trắng, triệt lông… và có khả năng làm việc độc lập lẫn làm việc nhóm).

Khi trả lời phần này, hãy thành thật với những gì bản thân đang có, bởi một số spa sẽ kiểm chứng bằng cách test tay nghề ngay tại chỗ (massage mặt và body) hoặc hẹn vào một ngày khác. Với spa mới hoàn toàn, có thể họ sẽ hẹn toàn bộ ứng viên đến cùng một ngày để test tay nghề đồng loạt và sàng lọc lại.

Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có thể không test bạn về khả năng sử dụng máy móc công nghệ cao, nhưng họ sẽ hỏi về kiến thức… Những câu hỏi thường gặp trong spa khi test kiến thức sẽ là máy phi thuyền tắm trắng có những nút nào, chỉnh công suất và nhiệt độ bao nhiêu là ổn; laser tần số bao nhiêu, mức năng lượng thế nào là phù hợp với khách…

phỏng vấn kỹ thuật viên spa

Thế mạnh chuyên môn của bạn là gì? Hãy trình bày tất cả với nhà tuyển dụng
khi phỏng vấn (Nguồn ảnh: Grand Hotel Saigon)

Nếu chỉ thành thạo về liệu trình thư giãn và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với máy móc công nghệ cao, bạn cũng nên thành thật với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hãy cho họ thấy tinh thần cầu thị của bạn.

Ví dụ: “Về máy móc công nghệ cao, có thể em chưa giỏi, nhưng em luôn sẵn sàng học hỏi để bổ sung cho thế mạnh sẵn có”. Ngoài ra, hãy thể hiện mong muốn được phát huy tối đa khả năng và trách nhiệm trong nghề. Từ đó, nhà tuyển dụng cảm nhận được đam mê và mong muốn học hỏi từ bạn.

Không chỉ vậy, với một vài spa có bán mỹ phẩm thì nhà tuyển dụng sẽ test kỹ năng bán hàng của bạn bằng các tình huống. Ví dụ, bạn sẽ làm gì nếu ở bước chốt sale, khách hàng lưỡng lự, bảo sẽ về nhà cân nhắc thêm, hỏi lại ý kiến người thân?

Gợi ý: Phân tích cho khách thấy việc cải thiện nhan sắc sẽ mang đến nhiều cơ hội trong giao tiếp xã hội, sự nghiệp, hôn nhân…. Không chỉ thế, tình trạng da của khách cần được can thiệp ngay, nếu để lâu sẽ càng trầm trọng, kéo theo chi phí điều trị cao và quy trình phức tạp hơn => tạo động lực cho khách tự quyết định.

đi xin việc spa gồm những gì

Một số spa sẽ test khả năng giao tiếp với khách hàng, kỹ năng bán hàng của bạn
ngay trong buổi phỏng vấn (Nguồn ảnh: Sala Danang Beach Hotel)

Với những spa thiên về thư giãn, nhà tuyển dụng thường ít hỏi về hoạt chất mỹ phẩm và kỹ năng tư vấn, nhưng với spa thiên về điều trị, có bán thêm sản phẩm thì thường chú trọng kiến thức này. Do đó, tùy điều kiện mỗi nơi, những bạn giỏi tư vấn bán hàng, có kiến thức về hoạt chất vẫn sẽ được chú ý hơn khi ứng tuyển.

Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?

Những câu hỏi thường gặp trong spa chắc chắn luôn có “mức lương”. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ hỏi tổng thu nhập cuối cùng bạn muốn là bao nhiêu. Trong nghề spa, thu nhập bao gồm rất nhiều khoản. Cụ thể như sau:

  • Lương cơ bản: tùy theo mô hình spa, địa điểm kinh doanh (thành phố hay nông thôn)… Hiện mức lương cơ bản cao nhất ở thành phố của một cơ sở spa là 6 triệu đồng, ở vùng quê sẽ tầm 2 – 2.5 triệu đồng. Mức lương cơ bản này có thể được trình bày trên tin tuyển dụng.
  • Tiền chuyên cần: làm đủ ngày, đúng giờ, đồng ý tăng ca đột xuất…
  • Tiền trách nhiệm: thực hiện đúng quy trình, khách không feedback xấu…
  • Tiền tour: Phần trăm trên tổng tiền khách chi cho một liệu trình. Ví dụ, một khách sử dụng liệu trình giá 300 nghìn đồng, kỹ thuật viên sẽ hưởng 3% hoặc 5% trên 300 nghìn đồng đó. Có spa không quy ra % mà quy ra thành số tiền cụ thể. Các tour này sẽ do lễ tân spa sắp xếp.
  • Tiền tip từ khách
  • Phần trăm bán gói dịch vụ liệu trình
  • Phần trăm bán mỹ phẩm
  • Phần trăm bán thẻ thành viên, thẻ VIP…

Với mô hình spa thư giãn, mức lương cơ bản thường không cao, nhưng % tiền tour và dịch vụ cao; còn mô hình điều trị sẽ có lương cơ bản cao hơn nhưng các khoản % thấp hơn.

phỏng vấn mức lương spa

Cần nắm rõ thu nhập trong nghề spa gồm những khoản nào để dễ dàng deal lương
với nhà tuyển dụng (Nguồn ảnh: Van Chai Resort)

Hiện nay, thu nhập phổ biến ở spa bình thường cho một kỹ thuật viên tầm 8 – 10 triệu đồng (tay nghề vững, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm tư vấn), thậm chí nếu xuất sắc thì thu nhập có thể vượt mức 20 triệu đồng. Đối với các bạn mới ra nghề, thu nhập sẽ tầm 6 – 8 triệu đồng; trong đó, lương cơ bản dao động tầm 2.5 – 3 triệu đồng, tối đa có thể 4 triệu.

Khi nhà tuyển dụng hỏi thu nhập mong muốn, đừng vội đưa ngay con số cụ thể. Nhiều bạn dù mới vào nghề đã yêu cầu “Em muốn được trả 15 hoặc 20 triệu”. Cách trả lời này sẽ đưa bạn vào “thế bí”, bởi nhà tuyển dụng sẽ vạch ra vô vàn yêu cầu, điều kiện dành cho bạn. Họ có thể vẫn đáp ứng cho bạn con số này, nhưng sẽ yêu cầu ký hợp đồng rõ ràng, nếu không thỏa mãn điều kiện họ đặt ra, bạn sẽ bị trừ tiền những khoản nào.

Vì thế, hãy hỏi nhà tuyển dụng mức thu nhập tham khảo và điều kiện đi kèm để bạn cân nhắc, đồng thời trả lời rằng bạn có thể bắt đầu từ mức lương cơ bản và từ từ thỏa thuận lại dựa trên những gì bạn có thể đem lại cho họ. Đừng tự đưa ra con số cố định nếu không muốn bị ràng buộc bởi rất nhiều điều khoản trách nhiệm ngay từ đầu.

phỏng vấn thu nhập kỹ thuật viên spa

Thu nhập của bạn sẽ dựa trên nhiều yếu tố như tay nghề, kiến thức, sự khéo léo
khi thỏa thuận ban đầu với nhà tuyển dụng (Nguồn ảnh: Cherish Hue Hotel)

Khi phỏng vấn xin việc spa, trong tình huống thương lượng về mức lương, hãy giữ tinh thần hợp tác bình đẳng giữa đôi bên. Nếu nhà tuyển dụng đồng ý trả ở mức phù hợp, bạn và họ sẽ hợp tác. Hạn chế thái độ cầu cạnh, nhà tuyển dụng đôi khi sẽ đánh giá là bạn thiếu chính kiến và tự ti.

Mục tiêu phát triển của bạn trong tương lai?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng mong muốn mục tiêu phát triển của bạn sẽ gắn liền với doanh nghiệp. Ví dụ, cách trả lời phỏng vấn xin việc spa cho câu hỏi này nên là “Em đặt mục tiêu 3 năm nữa sẽ lên vị trí kỹ thuật viên trưởng, 5 năm nữa sẽ quản lý một chi nhánh của thương hiệu này”. Câu trả lời này cho thấy bạn có dự định gắn bó và cống hiến dài lâu với doanh nghiệp.

Không nhà tuyển dụng nào mong muốn bạn thử việc hoặc làm chính thức trong thời gian ngắn rồi… nói lời chia tay. Do đó, không nên trả lời theo hướng “Em muốn làm việc ở đây khoảng 1, 2 năm rồi về mở spa riêng”.

phỏng vấn nghề spa mục tiêu phát triển

Muốn gây ấn tượng, mục tiêu phát triển của bạn nên gắn liền với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp (Nguồn ảnh: New World Hotel Saigon)

Lý do bạn nghỉ việc chỗ cũ là gì?

Điều tối kỵ khi phỏng vấn xin việc spa là nói xấu doanh nghiệp cũ. Dù sếp cũ có khắt khe ra sao, đồng nghiệp cũ bất hợp tác thế nào, bạn cũng không lên kể xấu mọi điều trước mặt nhà tuyển dụng mới. Nếu được hỏi, hãy nêu một vài điểm tốt từ nơi cũ, sau đó bảo nơi cũ chưa thật sự lý tưởng để đồng hành lâu dài nên bạn tìm “chân trời” mới phù hợp hơn.

Với câu hỏi này, nên dùng câu từ khéo léo để trả lời, bởi đó là cách bạn vừa tôn trọng doanh nghiệp cũ, vừa tôn trọng bản thân (dù sao bạn cũng từng gắn bó ở đó), đồng thời cho doanh nghiệp mới thấy rằng bạn đang tôn trọng họ và đáng tin cậy (sau này họ cũng không bị bạn “bóc phốt” nếu ngừng cộng tác).

Phỏng vấn xin việc spa: Những điều cần lưu ý

Ngoại hình trước, năng lực sau

Tiêu chí trong nghề spa luôn là “Gọn – Sạch – Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Dù yêu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên spa không quá chú trọng ngoại hình như tư vấn viên, nhưng bạn vẫn cần xuất hiện trước nhà tuyển dụng một cách chỉn chu và đẹp mắt nhất.

đi phỏng vấn spa nên mặc gì

Ngoại hình là điều mà nhà tuyển dụng spa rất quan tâm ở ứng viên
(Nguồn ảnh:
Fivitel Boutique Da Nang)

Cụ thể, tóc nên gọn gàng, không lộ mặt mộc đầy khuyết điểm khi phỏng vấn, trang phục chỉnh tề, móng tay sạch sẽ… Nhuộm tóc không phải vấn đề lớn, nhưng màu sắc đừng quá nổi bật. Hình xăm nhỏ cũng không gây mất thiện cảm, nhưng nếu đồng phục spa là váy ngắn và bạn thì xăm tràn cả bắp đùi, bắp tay thì đó lại là vấn đề lớn.

Tinh thần cầu thị, có trách nhiệm

Khi phỏng vấn kỹ thuật viên spa, đừng chăm chăm vào quyền lợi về lương thưởng mà quên mất bản thân cần trình bày những điều tạo thiện cảm hơn. Với vị trí này, nhà tuyển dụng quan trọng tay nghề và thái độ phục vụ của bạn. Muốn chinh phục họ, hãy cho họ thấy bạn là người có tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong nghề, biết tôn trọng người đối diện, không ngại học hỏi…

tiêu chí khi phỏng vấn nghề spa

Tinh thần ham học hỏi, có trách nhiệm khi làm việc… là những tố chất mà
nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên nghề spa (Nguồn ảnh: The Cliff Resort & Residences)

Thái độ, cử chỉ khi nói chuyện

Nhà tuyển dụng luôn quan sát nét mặt, ánh mắt ứng viên. Nếu bạn thiếu trung thực trong lời nói, họ sẽ nhận ra. Ngoài ra, tư thế ngồi cần lịch sự, không rung đùi, huơ tay, nói chuyện “trống không”, ngó nghiêng ngang dọc…

Nếu có gì đó khiến bạn chú ý khi phỏng vấn, đừng liếc ngang liếc dọc, lộ vẻ tò mò. Hãy chủ động xin phép được tham quan xung quanh để biết rõ hơn về không gian làm việc và thế mạnh dịch vụ của spa. Nhà tuyển dụng sẽ rất thích điều này.

Trên đây là những câu hỏi thường gặp trong spa và gợi ý cách trả lời phỏng vấn xin việc spa được đúc kết từ chính nhân sự lâu năm trong nghề. Hy vọng những thông tin trên từ Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ giúp bạn thật sự tự tin khi đối diện nhà tuyển dụng và ứng tuyển thành công vào môi trường ưng ý nhất.

Tham khảo khóa học spa ngắn hạn của Hướng Nghiệp Á Âu tại đây

 

Điểm: 4.85 (41 bình chọn)

Tác giả: Thanh Ny Beauty

Là người dành tình yêu to lớn cho ngành làm đẹp, Thanh Ny Beauty hiện là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, giàu kinh nghiệm và tận tụy trong giảng dạy đào tạo, trân trọng giá trị đạo đức nghề nghiệp.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn